Chiều 21/9, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021″. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án, chủ trì hội nghị.
Quảng Ninh là địa phương duy nhất của cả nước vừa có đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc với 10/13 huyện, thị xã, thành phố biên giới, biển đảo. Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021”, 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nghiêm túc, toàn diện, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Đến nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến biên giới, hải đảo đã giảm mạnh so với giai đoạn 2013-2016. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhân dân đã cung cấp cho các cơ quan chức năng gần 700 nguồn tin giá trị, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Đề án đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nội dung công tác, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới… Qua đó, đã góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, an toàn khu vực biên giới, hải đảo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn biên giới, hải đảo của tỉnh; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, đánh giá những ưu điểm, kết quả đã đạt được, cũng như thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án, đồng thời thảo luận, đề xuất các giải pháp tiếp tục triển khai Đề án trong thời gian tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án, ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các ngành, địa phương, đơn vị, sự tham gia tích cực của người dân trong triển khai Đề án. Đặc biệt là quá trình triển khai thực hiện Đề án, các ngành, địa phương, đơn vị đã có nhiều biện pháp, mô hình, cách làm hay, sáng tạo; lồng ghép hiệu quả, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Thông qua đó, người dân thực sự được thụ hưởng các thành tựu kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi cho chính quyền cơ sở đưa các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào đời sống; củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường sự gắn kết giữa chính quyền và nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực; đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Người dân hiểu, sống và làm việc thượng tôn pháp luật là nền tảng vững chắc để xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, do đó trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục được chú trọng, triển khai hiệu quả hơn nữa. Đồng chí yêu cầu các đơn vị, địa phương chỉ đạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu thật kỹ, thật sâu các chính sách pháp luật, bám sát chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức triển khai có kế hoạch, bài bản để nhân dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật; gắn hiệu quả công tác với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung bám sát các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt là tập trung tuyên truyền phổ biến, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí cũng đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên tuyền pháp luật về đất đai, cơ chế chính sách pháp luật về giải phóng mặt bằng; các quy định chính sách xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; các quy định về phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh.
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Nguồn: Báo Quảng Ninh điện tử
Bài viết lên quan