(Phóng sự phát thanh) Tìm hiểu quy định pháp luật về Quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Phóng sự phát thanh: Tìm hiểu quy định pháp luật về

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở 

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.

Hỏi:  Bạn có biết quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là gì không ?

Trả lời: Công dân có quyền :

– Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

– Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

– Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Công dân như chúng ta có cần làm gì để thực hiện dân chủ ở cơ sở không nhỉ ?

Trả lời:  Quyền lợi là phải đi đôi với trách nhiệm mà bạn. Các nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm:

– Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

– Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

– Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

– Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ trên, công dân còn có quyền thụ hưởng, như sau:

– Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.

– Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.

– Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Và đặc biệt là cần lưu ý không được làm những hành vi mà luật dân chủ cơ sở đã cấm nếu không bạn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính đấy.

Hỏi: Đó là những hành vi nào ?

Trả lời: Có 05 hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm:

– Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

– Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

– Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức.

– Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.

T/h Đức Anh

(Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông)

Bài viết lên quan

Để lại một bình luận