Chính sách pháp luật mới có hiệu lực từ giữa tháng 8/2022 (11 – 20/8/2022)

Từ ngày 11 – 20/8/2022, hàng loạt chính sách mới như quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với viên chức; điều kiện về tiêu chuẩn trình độ tin học, ngoại ngữ với viên chức thư viện;… sẽ bắt đầu có hiệu lực.

1. Quy định mới về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với viên chức

Đây là nội dung tại Nghị định 50/2022/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (có hiệu lực từ ngày 15/8/2022).

Theo đó, quy định 04 đối tượng viên chức được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn bao gồm:

– Viên chức có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư;

– Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là Tiến sĩ hoặc chuyên khoa II;

– Giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần;

– Viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, các đối tượng viên chức nêu trên được xem xét nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu có đủ các điều kiện sau đây:

– Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu;

– Có đủ sức khỏe,

– Không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền và có đơn đề nghị được kéo dài thời gian công tác.

2. Từ ngày 15/8/2022, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức thư viện

Đây là nội dung tại Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện do Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ban hành.

Cụ thể, Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL bãi bỏ điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức thư viện các hạng II, III, IV so với quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV.

Từ ngày 15/8/2022, viên chức thư viện các hạng II, III, IV phải đáp ứng điều kiện về kỹ năng ngoại ngữ, tin học như sau:

– Viên chức thư viện các hạng II, III:

Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

– Viên chức thư viện hạng IV:

Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, đối với viên chức thư viện hạng I mới được bổ sung cũng không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà chỉ yêu cầu: Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/08/2022.

3. Chỉ còn 02 mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Chính phủ ban hành Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Theo đó, chỉ còn 02 mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ ngày 15/8/2022.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 11 Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ bao gồm:

– Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng.

Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

– Dịch vụ công trực tuyến một phần: là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện quy định nêu trên.

Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.

(Hiện hành, dịch vụ công trực tuyến được cung cấp theo 04 mức độ quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2011/NĐ-CP).

Nghị định 42/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011.

4. 03 hình thức khai thác cơ sở dữ liệu về nhà ở

Theo Nghị định 44/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/8/2022) về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, chỉ còn 03 hình thức khai thác cơ sở dữ liệu nhà ở so với quy định hiện hành.

Cụ thể, khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2022/NĐ-CP quy định 03 hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản như sau:

– Qua Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn); Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

– Thông qua phiếu yêu cầu và văn bản yêu cầu.

– Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.

(Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 117/2015/NĐ-CP hiện hành, việc khai thác và sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được thực hiện qua 05 hình thức như sau:

– Qua mạng internet;

– Qua trang thông tin điện tử do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản quy định;

– Qua mạng chuyên dùng;

– Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;

– Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật).

File đính kèm:

NĐ 50_2022_ND-CP.quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.pdf

NĐ_117.2015.ND.CP.Về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.pdf

42_2022_ND-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.doc

44_2022_ND-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.doc

43_2011_ND-CP_cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến.doc

02_2022_TT-BVHTTDL_về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện.doc

 

Để lại một bình luận