Nếu so sánh với các gói hỗ trợ trước đây mà doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) phản ánh là có quá nhiều tiêu chí và tiếp cận rất khó khăn, thì Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (ngày 1/7/2021) được coi là chính sách thực sự đơn giản, thân thiện với NLĐ, doanh nghiệp, nhờ vậy đã cắt giảm được 2/3 số thủ tục hành chính phải thực thi. Từ đó các đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách, đáp ứng niềm tin và mong mỏi của người dân vào chính sách an sinh xã hội.
Để kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ, thị xã đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, thực hiện chính sách với phương châm quyết liệt hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ được kịp thời đến tay NLĐ, người sử dụng lao động, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không bỏ sót, trùng lặp đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được mở rộng với 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, bao gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly dài ngày…
Đến thời điểm này, thị xã đã hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 34 người với số tiền trên 87 triệu đồng (trong đó hỗ trợ thêm cho 15 lao động nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi). Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ thương mại HT, cho biết: “Tôi phải nghỉ việc 1 tháng do thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do vậy việc nhận được tiền hỗ trợ hơn 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng tiền nuôi con nhỏ đã giúp tôi và các con vượt qua khó khăn trước mắt”.
25 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thị xã bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã nhận được tiền hỗ trợ kịp thời (tổng 63 triệu đồng). Anh Nguyễn Văn Mao (phường Mạo Khê) cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh karaoke, phải nghỉ do dịch kéo dài, không có nguồn thu, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Được nhận số tiền hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng là sự động viên, khích lệ rất lớn cho gia đình chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Bên cạnh đó, việc cho vay trả lương, phục hồi sản xuất cũng được thị xã triển khai nhanh chóng. Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã đã rà soát nhu cầu vay vốn (làm việc trực tiếp với 332 doanh nghiệp có từ 2 lao động tham gia đóng BHXH trở lên). Qua rà soát đã cho vay trả lương NLĐ ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 7 doanh nghiệp với tổng dư nợ 926 triệu đồng.
Triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ tới các đối tượng bị ảnh hưởng đã góp phần chia sẻ, động viên các đối tượng gặp khó khăn; góp phần giúp thị xã triển khai hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh sản xuất.
Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh
Bài viết lên quan