Bộ Tư pháp đang xây dựng và đưa ra lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 quy định về thành phần và nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Trong đó, Hội đồng sẽ được bổ sung thêm một số quyền hạn mới đáng chú ý.
Bộ Tư pháp cho biết, qua tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân” cho thấy, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó tư vấn có hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp việc hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL; xây dựng, ban hành, kiểm tra, đôn đốc chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn về PBGDPL; xác định nội dung trọng tâm cần phổ biến hằng năm hoặc đột xuất; hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam; đánh giá, tổng kết công tác PBGDPL. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; kịp thời đưa chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng, đó là: Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng một số nơi còn chưa cao; tổ chức và hoạt động của Hội đồng chưa thực sự phát huy vai trò trong tư vấn hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL; một số thành viên Hội đồng chưa phát huy trách nhiệm khi tham gia các hoạt động của Hội đồng, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức PBGDPL chuyên ngành; sự phối hợp giữa các thành viên Hội đồng và giữa thành viên Hội đồng với cơ quan thường trực Hội đồng ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả…
PBGDPL ngay từ khâu đề xuất chính sách
Để triển khai kịp thời nhiệm vụ được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu, đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021 nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TT và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg.
Trên cơ sở quy định tại Điều 7 Luật PBGDPL và yêu cầu đổi mới toàn diện công tác PBGDPL nói chung, Hội đồng phối hợp PBGDPL nói riêng, Dự thảo Quyết định đã kế thừa một số quy định tại Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg, đồng thời bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới.
Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây được xác định là kim chỉ nam, tư tưởng chủ đạo trong triển khai công tác PBGDPL nói chung, triển khai hoạt động của Hội đồng nói riêng.
Hội đồng cũng có chức năng điều phối việc triển khai công tác PBGDPL mang tính liên ngành về lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đối tượng đặc thù. Quy định này phù hợp với tổ chức phối hợp liên ngành như mô hình Hội đồng phối hợp PBGDPL trong việc điều phối nguồn lực triển khai công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm và có nhiều sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể…
Đồng thời, hướng dẫn xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả; định hướng thực hiện các giải pháp đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số công tác PBGDPL… Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, mang tính đổi mới, vì vậy cần sự tham mưu, tư vấn, hướng dẫn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm của Hội đồng để tháo gỡ điểm nghẽn, lựa chọn các giải pháp hiệu quả, thống nhất, phù hợp và thiết thực để triển khai PBGDPL.
Dự thảo cũng bổ sung, phát triển quy định về việc xác định, lựa chọn, định hướng các nội dung PBGDPL trọng tâm, đó là các vấn đề “dư luận xã hội quan tâm”; xác định nội dung chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội để phổ biến ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản … Việc bổ sung này với mục tiêu phát huy vai trò của Hội đồng trong tham mưu, tư vấn nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn hiện nay, phù hợp với định hướng chỉ đạo quy định tại Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg trong tình hình mới. Các quy định này không mâu thuẫn và không trái với Luật PBGDPL, mà ngược lại, nếu được cụ thể hóa tại nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thì sẽ làm gia tăng chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL.
Về thành phần của Hội đồng, ở Trung ương, dự thảo sửa đổi quy định về Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng theo hướng Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.
Bài viết lên quan