(Phóng sự phát thanh) Tìm hiểu về vi phạm pháp luật trên không gian mạng

 

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và internet, không gian mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, song song với những lợi ích mà nó mang lại, không gian mạng cũng là nơi phát sinh nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Từ việc lừa đảo trực tuyến, xâm phạm quyền riêng tư, đến việc phát tán thông tin sai lệch và các hành vi phạm tội khác, vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang trở thành mối lo ngại lớn của xã hội hiện nay.

Anh Hoàng Trần Thành – khu 4b, phường Hà Phong, TP Hạ Long nhiều khi thấy căng thẳng và mệt mỏi vì liên tục bị quấy rối bởi các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Anh phàn nàn:  

Mỗi ngày, tôi thường nhận được hàng chục tin nhắn và cuộc gọi từ những kẻ lạ mặt, tự xưng là đại diện các công ty tài chính, ngân hàng hay thậm chí là mạo danh cả cơ quan chức năng. Điểm chung đều là yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, hay yêu cầu chuyển tiền.

Trường hợp như anh Hoàng Trần Thành nêu trên chỉ là một trong nhiều  ví dụ thực tế liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo quy định của Điều 8 Luật An ninh mạng, có 6 nhóm hành vi sau đây là vi phạm pháp luật trên không gian mạng:

  1. Sử dụng không gian mạng công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như :Tổ chức, hoạt động, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội; Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội trên không gian mạng.
  2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
  3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, hệ thống thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
  4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
  5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
  6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, một trong những hình thức vi phạm phổ biến nhất trên không gian mạng chính là lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là các thủ đoạn mời gọi đầu tư tài chính qua mạng, làm việc nhẹ lương cao, mạo danh cơ quan nhà nước đe dọa nạn nhân, hoặc hứa hẹn hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo bị treo trên không gian mạng; mạo danh công an phường xã gửi đường link giả mạo ứng dụng vneid chứa mã độc để đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. 

Theo Điều 9 Luật An ninh mạng có quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng như sau: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Để bảo vệ quyền lợi và an ninh cho người dùng, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đến từng cá nhân. Chỉ khi đó, không gian mạng mới thực sự trở thành một môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

(Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông)

Để lại một bình luận