Năm 2024 chính sách BHXH, BHYT có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Điều này không chỉ gia tăng quyền lợi của hàng triệu người dân, người lao động mà còn phản ánh xu hướng phát triển và cải cách của hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh mới.
Phóng sự “Chính sách Bảo hiểm xã hội năm 2024: Những thay đổi quan trọng”
Theo Nghị quyết 104/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2023 thì từ ngày 01/7/2024, thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ 1/7/2024, Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cho những người hiện đang hưởng lương hưu. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của việc cải cách toàn diện chính sách tiền lương ở nước ta, không chỉ mang lại hơi thở mới cho hệ thống lương hưu mà còn cả tới các loại trợ cấp BHXH và các chính sách an sinh xã hội khác.
Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp BHXH nêu trên cũng thay đổi. Căn cứ theo Nghị quyết 104/2024 các khoản trợ cấp này từ 1-7-2024 được tăng. Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Hiện nay, theo mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi từ ngày 01/7/2024 là 4,680,000 đồng.
Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu căn cứ quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi; đối với lao động nữ trong điều kiện bình thường là 56 tuổi 4 tháng. Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác: như là Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021; Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Nhằm từng bước nâng cao đời sống của nhân dân nhiều chính sách bảo hiểm xã hội Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đã thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều đã bổ sung nhiều quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, các quy định của Luật cũng gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH; bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng BHXH đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Nhiều điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đó là phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
T/h Lan Phương
Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh
về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông
Bài viết lên quan