Quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở

Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm Gương Hòa giải viên giỏi. Tham dự Tọa đàm có ông Trương Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh và bà Nguyễn Thị Hồng Lịch, Hòa giải viên phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Năng lực hòa giải viên được nâng cao
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, ông Trương Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh cho biết các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng được củng cố, kiện toàn, 100% các thôn, khu phố đều thành lập các tổ hòa giải và hoạt động có chất lượng đạt hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 811 tổ hòa giải cơ sở với 5.438 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%.

Để đạt được kết quả tốt trong công tác hòa giải ở cơ sở, theo ông Thắng, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên là một trong những nhiệm vụ then chốt. Ông Thắng cho biết, ngay sau khi Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” được triển khai, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 15/7/2019 về kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch xác định mục tiêu đến hết năm 2022 các cộng đồng dân cư có nhu cầu đều có tổ hòa giải ở cơ sở và hoạt động có hiệu quả; 100% hòa giải viên được trang bị đầy đủ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cơ sở theo chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành để tự bồi dưỡng; 100% hòa giải viên định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nghiệp vụ hòa giải. 100% xã, phường, thị trấn đều đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động hòa gải của các tổ hòa giải, thực hiện chi thù lao cho các vụ việc hòa giải đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương…

“Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành vượt kế hoạch toàn bộ các chỉ tiêu trong Kế hoạch đề ra. Để có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là trong việc đầu tư nguồn lực về con người, kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời của Bộ Tư pháp”, ông Thắng cho hay.

Với 12 năm kinh nghiệm làm công tác hòa giải, bà Nguyễn Thị Hồng Lịch cho rằng để hòa giải thành công, người hòa giải viên cần có trách nhiệm, nhiệt tình, nắm bắt sự việc, giải quyết kịp thời từ gốc các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư. Khi hòa giải phải đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên, thực hiện dân chủ, không áp đặt; giữ bí mật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Việc hòa giải cần dựa trên cơ sở pháp luật, đạo đức, văn hóa ứng xử, tập quán tốt đẹp, khơi dậy tình cảm tốt đẹp, tích cực, có tình có lý.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, 2 vị khách mời cũng đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại trong công tác hòa giải như: sự hiểu biết về pháp luật của dân cư không đồng đều, dễ xảy ra mâu thuẫn; một số tổ hòa giải hoạt động hiệu quả chưa cao; trình độ nghiệp vụ và sự hiểu biết pháp luật của các hòa giải viên chưa đồng đều; một số nơi, cấp ủy đảng và chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác hòa giải, việc đầu tư kinh phí cho hoạt động này còn nhiều hạn chế…

Củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải
Do đó, để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Trương Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh cho rằng cần tiếp tục đề cao vai trò lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý Nhà nước của UBND các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác hòa giải ở cơ sở để người dân nâng cao nhận thức và sử dụng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng.

Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn về tổ chức, bố trí những người có năng lực, nhiệt tình làm công tác hòa giải, có kinh nghiệm và kiến thức về pháp luật. UBND cấp xã cần thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên. Hàng năm cần tổ chức sơ kết, tổng kết công tác hòa giải. Phấn đấu hàng năm có trên 90% tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả, số vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ trên 85%,

Đặc biệt, UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm triển khai việc chi trả thù lao hòa giải thành theo vụ việc tiền tài liệu, văn phòng phẩm, sổ sách phục vụ công tác hòa giải theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải cơ sở.

Bày tỏ đồng tình, bà Nguyễn Thị Hồng Lịch nhấn mạnh các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới việc bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho hòa giải viên đồng thời tăng cường phổ biến pháp luật, kịp thời cập nhật các quy định mới cho các Tổ hòa giải; tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ hòa giải ở các địa phương khác nhau để rút kinh nghiệm những vụ việc điển hình, từ đó góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng cho hòa giải viên.

Nguồn: Trang thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp.

Để lại một bình luận