(Quảng Ninh) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù

Thời gian qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng đặc thù được các cấp, ngành của Quảng Ninh quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật tại địa phương.

Đồn BP Pò Hèn tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới, tháng 6/2024. Ảnh: Việt Thắng (Đồn BP Pò Hèn)

Đồn BP Pò Hèn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới (tháng 6/2024). Ảnh: Việt Thắng (Đồn BP Pò Hèn)

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định một số đối tượng đặc thù, gồm: Người dân ở vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và ngư dân; lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.

Để tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng này, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, địa phương xây dựng, triển khai hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn.

Theo đó, hoạt động PBGDPL cho người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được đẩy mạnh, gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, yêu cầu đặt ra là trên 95% đối tượng được tuyên truyền, PBGDPL hằng năm.

Bà Lô Thị Hiền (khu Bình Quân, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) cho biết: Các cấp, ngành quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tuyên truyền xây dựng NTM, đô thị văn minh; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác PBGDPL cho nạn nhân bạo lực gia đình, cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc tiếp tục được quan tâm. Công an tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người chấp hành án tại cộng đồng; người bị tạm giữ, tạm giam; người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo triển khai, duy trì hoạt động các mô hình: Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2030; thành phố an toàn, thân thiện, chống quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ sinh kế và tự chủ tài chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống bạo lực giới.

Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; duy trì, kết nối với hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các địa phương, nhằm phát hiện, tư vấn, trợ giúp kịp thời nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường các hội nghị tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống mại dâm, ma túy và mua bán người, phòng chống ma túy…

Sở Tư pháp cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường PBGDPL cho những đối tượng đến làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhằm công nhận việc đương nhiên xóa án tích theo quy định để tái hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động, học tập, sinh sống tại địa phương; chỉ đạo tăng cường trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là nạn nhân bị bạo lực gia đình, mua bán người…

Các địa phương tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng; thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ các quy định của pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bình đẳng giới; pháp luật về phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội.

Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội cũng thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến với hình thức đa dạng, phong phú cho cán bộ, hội viên, nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các CLB thanh niên với pháp luật, phụ nữ với pháp luật…

6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh tổ chức 8 đợt cao điểm tuyên truyền, PBGDPL cho 927 lượt phạm nhân; tổ chức 2 đợt giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho 20 đối tượng. Sở LĐ-TB&XH tổ chức 10 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội cho giáo viên, học sinh tại các trung tâm GDNN-GDTX, 33 hội nghị cho 475 chiến sỹ BĐBP, cán bộ cấp xã, phường, thôn, khu, người có uy tín ở cộng đồng thuộc địa bàn TP Móng Cái; 18 hội nghị tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, ma túy và mua bán người cho hơn 1.620 đại biểu…

Các sở, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh PBGDPL cho người lao động trong các doanh nghiệp; tổ chức đối thoại chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, doanh nghiệp; các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ gắn với hưởng ứng Tháng Công nhân.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai, đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Để lại một bình luận