Với những giải pháp cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về phòng chống tội phạm đã phát huy hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; triển khai có hiệu quả kế hoạch của tỉnh về thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong phòng chống tội phạm thì công tác phòng ngừa có vai trò quan trọng nhằm khắc phục những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, ngăn chặn, hạn chế và làm giảm từng bước, tiến tới loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội. Trong đó công tác giáo dục pháp luật đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua tuyên truyền, PBGDPL làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung PBGDPL về phòng chống tội phạm, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, trong những năm qua, với vai trò cơ quan Thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh, là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban chỉ đạo 138/QN), trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, Sở Tư pháp chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, PBGDPL về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hàng năm, chú trọng tại các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự.
Chỉ tính năm 2024, Sở tổ chức 4 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác PBGDPL tại 4 địa bàn trọng điểm, gồm: Phường Trần Hưng Đạo, Hà Lầm, Cao Xanh (TP Hạ Long) và phường Mạo Khê (TP Đông Triều) với gần 800 lượt người tham dự. Các buổi tập huấn, phổ biến pháp luật đều được các đại biểu tham dự đánh giá cao về nội dung, chất lượng, đảm bảo hiệu quả, thực chất, phù hợp trong tình hình hiện nay.
Điển hình là hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) được Sở Tư pháp tổ chức ngày 13/11/2024. Tham dự lớp tập huấn có 150 đại biểu là cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, Bí thư chi bộ, Trưởng khu, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ quốc và tổ chức thành viên khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trên địa bàn phường.
Tại hội nghị, báo cáo viên pháp luật tỉnh đã thông tin tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, mại dâm, mua bán người trên địa bàn tỉnh; đồng thời truyền đạt, phổ biến một số quy định của pháp luật về các loại tội phạm này, các quy định về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý, phòng ngừa tội phạm. Báo cáo viên cũng trao đổi, đưa ra các tình huống thảo luận trên cơ sở thực tế, giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan.
Ông Lại Văn Quang, khu Yết Kiêu 2, phường Trần Hưng Đạo chia sẻ: Buổi tập huấn rất hiệu quả, bổ ích. Nội dung tập huấn đảm bảo chất lượng, kịp thời phổ biến đến nhân dân nhiều quy định pháp luật liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Báo cáo viên tuyên truyền dễ hiểu, đưa ra nhiều dẫn chứng thực tế tạo không khí sôi nổi trong nghiên cứu, tiếp thu nội dung tập huấn, để từ đó về tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng dân cư, nhất là thanh thiếu niên nâng cao ý thức, cảnh giác với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Bà Lê Thị Hiên, tổ trưởng tổ 3, khu phố Yết Kiêu 6, phường Trần Hưng Đạo cho biết: Tôi đã nghiên cứu rất kỹ tài liệu được cung cấp tại hội nghị và đánh giá cao về nội dung tài liệu do Sở Tư pháp biên soạn. Tài liệu cung cấp các thông tin rất quan trọng liên quan đến các quy định pháp luật về các loại tội phạm ma túy, mua bán người, ngoài ra còn xây dựng các tình huống cụ thể, gắn với thực tế để người dân dễ tìm hiểu, tiếp cận thông tin, giúp tôi tuyên truyền trong bà con ở tổ dân phố được thuận tiện hơn.
Trước đó, giai đoạn 2017-2021, thực hiện Đề án tăng cường PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, Sở Tư pháp đã tổ chức 9 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho gần 1.000 lượt cán bộ thực hiện công tác PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật thuộc phạm vi đề án (6 xã, phường). Ở cấp huyện, việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cũng được UBND các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức thường xuyên với gần 150 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho trên 10.000 lượt cán bộ làm công tác PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh: Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, cung cấp tài liệu phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho đội ngũ cơ sở. Thông qua đội ngũ này chính là cầu nối trực tiếp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm đến nhân dân ngay tại cơ sở; góp phần ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại tội phạm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội và toàn dân đối với công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trong những năm qua, Sở Tư pháp tích cực tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành viên tăng cường tuyên truyền PBGDPL phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong các tầng lớp nhân dân. Sở tích cực phối hợp cùng các cấp, ngành đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền; tập trung tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng chống và hỗ trợ các lực lượng lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, các tiện ích của mạng xã hội vào công tác phòng chống tội phạm…
Việc triển khai PBGDPL được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức Ngày pháp luật hàng năm; thông qua phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tủ sách pháp luật, CLB pháp luật, tổ chức đối thoại…
Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, công tác tuyên truyền, PBGDPL phòng chống tội phạm đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng nhân dân, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm về ANTT; phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ ổn định TTATXH, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Bài viết lên quan