Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động xét xử

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ cần chỉ đạo thường xuyên, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án, nên TAND hai cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác này. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.

Một phiên tòa xét xử án hình sự sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh (vụ án Đỗ Hữu Ca, cực gđ công an hải phòng, tháng 4/2024.
Một phiên tòa xét xử án hình sự sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và dư luận xã hội, tháng 4/2024.

Trong những năm qua, TAND các cấp đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua kế hoạch nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm; trong đó tập trung thực hiện tốt công tác xét xử, chú trọng việc hòa giải, tuyên truyền, PBGDPL trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để công dân nhận thức rõ các quy định pháp luật, giảm bớt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Các đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL thông qua phổ biến, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; công khai các bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử… Ngoài ra, phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức phiên tòa giả định tại các trường THPT để tuyên truyền pháp luật tới đối tượng là các học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức trong giới trẻ…

Năm 2024, TAND hai cấp tỉnh thụ lý tổng số 5.261 vụ, việc; đã giải quyết, xét xử 4.608 vụ, việc các loại. Trong đó, án hình sự đã giải quyết, xét xử 1.304/1.446 vụ; giải quyết, xét xử 3.304/3.815 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Các đơn vị đăng tải 3.997 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử Tòa án.

Chất lượng công tác xét xử được đảm bảo, không có người bị kết án oan, không bỏ lọt tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình hiện nay. Điển hình, tháng 4/2024, TAND tỉnh đưa ra xét xử hình sự sơ thẩm đối với cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cùng các bị cáo khác liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn thuế; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; nhận hối lộ và đưa hối lộ. Vụ án được đưa thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận nhân dân. Hội đồng xét xử đã xem xét, cân nhắc trước khi quyết định hình phạt một cách khách quan, đúng quy định của pháp luật, góp phần có hiệu quả vào việc răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, bức xúc trong dư luận xã hội. Từ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, nhiều vụ việc được làm rõ, xử phạt nghiêm minh, thông qua hoạt động xét xử răn đe, nghiêm trị hành vi phạm tội, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân.

Đơn cử như việc đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Trần Bá Trung (sinh năm 1985, trú tại TX Đông Triều) phạm tội vào tháng 8/2023 tại TAND tỉnh. Theo hồ sơ vụ án, Trần Bá Trung không có chức năng nhiệm vụ gì trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa đất, không mua đất của dự án, không đặt cọc mua đất, không có điều kiện mua máy xúc giá rẻ. Do cần tiền chi tiêu cá nhân và trả nợ, nên trong thời gian năm 2021, 2022, Trung đã nói dối nhiều người để họ tin tưởng đưa tiền nhờ Trung làm các thủ tục cấp GCNQSDĐ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa đất, góp tiền đặt cọc mua đất, đấu giá mua đất dự án, mua máy xúc. Sau khi nhận tiền và các giấy tờ liên quan, Trung không thực hiện như hứa hẹn mà chiếm đoạt tiền các bị hại. Cơ quan chức năng đã xác minh và làm rõ được hành vi phạm tội của Trung với 15 bị hại, tổng số tiền chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng.

Trần Bá Trung xin lỗi các bị hại.
Sau khi được Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa phân tích, nhắc nhở, bị cáo Trần Bá Trung quay lại xin lỗi các bị hại về hành vi của mình, hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về khắc phục thiệt hại đã gây ra.

Chia sẻ với phóng viên, anh N.V.H (bị hại) cho biết, anh quen biết Trung qua giới thiệu của người quen. Khi đó, gia đình có nhu cầu cấp GCNQSDĐ đối với phần đất đang quản lý, sử dụng nhưng do hạn chế về thời gian, nhiều thủ tục hành chính liên quan anh không nắm rõ, do vậy đã nhờ Trung làm giúp. Tuy nhiên, sau khi nhận lời, Trung chiếm đoạt và không trả lại tiền cho gia đình. Vụ việc là lời cảnh tỉnh, bài học sâu sắc cho người dân nâng cao cảnh giác trước những chiêu lừa đảo tinh vi của các đối tượng, cần tìm hiểu kỹ thông tin, tham khảo nhiều kênh, nhiều nguồn trước khi thực hiện giao dịch, nhờ người khác thực hiện giao dịch, đặc biệt liên quan đến số tiền lớn.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thể hiện sự khách quan, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng liên quan. Sau khi được Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa phân tích, nhắc nhở, bị cáo nhận thức sâu sắc và hối hận về hành vi, hậu quả phạm tội mình gây ra cho các bị hại. Nói lời sau cùng Trung đã quay lại xin lỗi các bị hại về hành vi của mình, hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về khắc phục thiệt hại đã gây ra.

Theo thẩm phán Bùi Văn Tuấn, Chánh tòa hình sự, TAND tỉnh: Việc xét xử vụ án, đưa ra phán quyết của Tòa án liên quan đến sinh mệnh chính trị, tự nhiên của mỗi con người, do vậy, trách nhiệm càng cao, người thẩm phán trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phải đưa ra phán quyết có căn cứ, thấu tình đạt lý. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa họ tái phạm tội, đồng thời thông qua đó tuyên truyền giáo dục người dân tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án. Đây là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực và dễ đi vào đời sống nhân dân. Những người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ diễn biến quá trình Tòa án giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể, họ sẽ hiểu rõ hơn pháp luật quy định đối với từng trường hợp như thế nào và bị xử lý ra sao, từ đó sẽ có ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.

T/ h Thanh Hoa

Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

về PBGDPL và truyền thông

 

Để lại một bình luận