Ngày 26/10/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 5555/UBND-PC về việc triển khai kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại Báo cáo số 435/BC-HĐND ngày 31/8/2022. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Sở Tư pháp:
– Tiếp tục tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác này để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần hòa giải các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.
– Tăng cường hướng dẫn và phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ quản lý nhà nước về hòa giải và hòa giải viên; thường xuyên biên soạn, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên và tăng cường tổ chức các hội thi hòa giải viên ở cơ sở.
– Tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022“, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo và những nội dung khác theo thẩm quyền.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thuộc tỉnh:
– Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung một số nội dung chủ yếu sau:
(1) Tiếp tục quán triệt nghiêm túc, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong việc trong việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra vi phạm, làm ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
(2) Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở để Nhân dân biết và sử dụng rộng rãi trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở.
(3) Thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, nhất là công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã. Chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên rà soát, kiện toàn các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo quy định; quan tâm xây dựng đội ngũ hòa giải viên có năng lực, tâm huyết, uy tín và khả năng vận động, thuyết phục Nhân dân.
(4) Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết theo quy định; kịp thời khen thưởng, động viên, khuyến khích các hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải và cung cấp tài liệu cho hòa giải viên. Bảo đảm đến hết năm 2023, 100% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.
(5) Lập dự toán kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, trình HĐND cùng cấp thông qua, bố trí kinh phí đầy đủ cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên, thực hiện việc chi thù lao vụ việc cho hòa giải viên, thanh quyết toán việc thực hiện chi thù lao vụ việc cho hòa giải viên theo đúng quy định[1].
(6) Tăng cường công tác kiểm tra; chỉ đạo thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, thống kê, đánh giá kết quả hòa giải ở cơ sở và việc ghi chép, lưu trữ sổ sách, hồ sơ theo quy định.
– UBND cấp huyện, cấp xã được khảo sát[2] nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời có biện pháp khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo số 435/BC-HĐND ngày 31/8/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh
– Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện trách nhiệm, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong xây dựng tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân biết và sử dụng rộng rãi hình thức này trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở.
– Hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; thông tin, trao đổi kịp thời với Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả giám sát, phản biện xã hội để có chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện hòa giải ở cơ sở./.
[1] Quy định tại Điều 6 Luật Hòa giải ở cơ sở; Điều 12, 13 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết số 212/2015/NQ-HĐND của HDDND tỉnh và Quyết định số 2728/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định mức chi một số nội dung có tính chất đặc thù trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
[2] UBND cấp huyện: Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả; UBND cấp xã: Hà Tu, Cao Xanh (T.P Hạ Long), Đông Mai, Minh Thành (thị xã Quảng Yên), Mông Dương, Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả).
File đính kèm:
5555.UBND.VB triển khai kiến nghị của BPC về hòa giải.doc
5555.UBND.VB triển khai kiến nghị của BPC về HÒA GIẢI.pdf
Bài viết lên quan