Trợ giúp pháp lý: Góp phần tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh

Quảng Ninh là một tỉnh biên giới, miền núi, hải đảo có địa hình phức tạp, đối tượng trợ giúp pháp lý chiếm tỉ lệ cao, người nghèo và người dân tộc thiểu số chủ yếu cư trú tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, giao thông đi lại khó khăn.

Việc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có khó khăn về tài chính, đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng này còn gặp nhiều khó khăn như: ý thức của người dân về quyền được trợ giúp pháp lý của mình chưa cao, chưa chủ động; thiếu phương tiện đi lại,việc vận chuyển tài liệu, bảng, hộp tin, đoàn công tác mất nhiều thời gian, công sức,…

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2020, với sự chỉ đạo kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự ủng hộ và tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác trợ giúp pháp lý theo các chương trình giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, trợ giúp pháp lý đã có những bước phát triển tích cực, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ pháp lý cụ thể để triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý thuộc thẩm quyền của mình; chính quyền cấp cơ sở chủ động đề xuất, triển khai trợ giúp pháp lý phù hợp với nhu cầu của người dân trên địa bàn, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, người có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng công tác trợ giúp pháp lý được nâng cao, đem lại những lợi ích thiết thực cho người nghèo, người có khó khăn về tài chính, giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và quyền bình đẳng trước pháp luật; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, ổn định và làm lành mạnh hóa quan hệ xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân, góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Giai đoạn 2016-2020, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp1.272 vụ việc/1.272 người, trong đó số lượng vụ việc của người nghèo, người có khó khăn về tài chính, người dân tộc thiểu số là 533 vụ việc/533 người (chiếm 41% tổng số vụ việc) với các hình trợ giúp pháp lý: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Thông qua việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, người có khó khăn về tài chính,  người dân tộc thiểu số được đảm bảo; người thực hiện trợ giúp pháp lý còn kết hợp với hướng dẫn, giải thích cho các đối tượng trên về các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của công dân để hướng dẫn họ xử sự theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh một phiên tòa tại huyện Bình Liêu

Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân

tại Hội nghị TGPL

Công tác truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý và chính sách pháp luật trong các chương trình giảm nghèo được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các hình thức nói chuyện chuyên đề pháp luật tại các chương trình trợ giúp pháp lý lưu động, Hội nghị trợ giúp pháp lý tại cơ sở, phát hành tờ gấp, tài liệu pháp luật, đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý,.. thuận tiện cho người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về pháp luật, Sở Tư pháp đã tổ chức 186 chương trình trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh trong đó tập trung các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã miền núi, xã tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã được tổ chức, như tại các huyện, thị xã, thành phố: Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hoành Bồ (nay là Hạ Long), Tiên Yên,… Đồng thời, Sở Tư pháp cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tin về các hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo tại các xã nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh các chương trình trợ giúp pháp lý tại cơ sở, Trung tâm đã cung cấp 32 bảng thông tin trợ giúp pháp lý, 32 hộp tin trợ giúp pháp lý cho 32 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và 10 Bảng thông tin trợ giúp pháp lý cho 10 thôn, bản nghèo trên địa bàn tỉnh để niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân, Nhà văn hóa thôn, bản hoặc các địa điểm sinh hoạt chung khác.

Hội nghị TGPL tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn

Năm 2017, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp đã thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý và công bố rộng rãi để người dân trên địa bàn tỉnh thuận tiện trong việc liên hệ yêu cầu trợ giúp pháp lý, đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lý và cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như: công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong tờ gấp pháp luật, niêm yết tại trự sở của các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trên địa bàn toàn tỉnh; đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận, liên hệ khi có nhu cầu; thực hiện quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý trên phần mềm do Cục trợ giúp pháp lý quy định.

Hoạt động trợ giúp pháp lý đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng khó khăn, điều kiện kinh tế kém phát triển vì đã giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật cũng như trực tiếp bảo vệ họ khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 – 2030, chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo cần được tiếp tục duy trì nhằm kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người người nghèo, người có khó khăn về tài chính tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu các chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững của Tỉnh./.

Vũ Uyên – Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước

 

Trả lời