Tổng kết Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2017-2021” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Đề án tăng cường PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2017-2021 được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Các hoạt động PBGDPL được triển khai phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn, dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của người dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL từng bước được củng cố, kiện toàn và ngày càng nâng cao chất lượng.

Việc triển khai Đề án đã chú trọng lồng ghép, kết hợp sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và gắn kết với việc thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và  Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; góp phần không nhỏ vào công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm và chuyển hóa địa bàn.

Các mô hình PBGDPL có hiệu quả tại các địa bàn trọng điểm

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện Đề án đã được xây dựng và nhân rộng, thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân tham gia như: Mô hình Câu lạc bộ Tuổi trẻ với Pháp luật, Phụ nữ với Pháp luật, Nông dân với Pháp luật ; Mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới“; Mô hình “Chi hội phụ nữ nòng cốt thực hiện chấp hành pháp luật“, “Chi hội phụ nữ nòng cốt không có chồng, con em vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội”; Mô hình “5 không 3 sạch“; Mô hình “Địa chỉ tin cậy“; Mô hình “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; Mô hình “Quản lý giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật”; Mô hình “Cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi”…

Trong việc xây dựng các mô hình PBGDPL hiệu quả tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, việc phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn và một số ngành, như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… đã mang lại hiệu quả cao. Trong đánh giá sơ kết, tổng kết định kỳ hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ghi nhận, đánh giá cao việc xây dựng các mô hình này và khuyến khích cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp duy trì, nhân rộng.

Kết quả tổ chức các hoạt động PBGDPL cho Nhân dân ở các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi Đề án

Giai đoạn 2017-2021, các cấp, các ngành, các địa phương đã tăng cường tổ chức các hoạt động PBGDPL cho Nhân dân tại các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi Đề án. Toàn tỉnh đã tổ chức gần 4.985 cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp cho Nhân dân, thu hút 507.650 lượt người tham dự; đã biên soạn, in ấn, phát hành 765.840 tài liệu pháp luật trên các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, môi trường, khiếu nại, tố cáo, hình sự, dân sự, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác tổ chức phát trên loa truyền thanh cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng 26.758 tin, bài…

Việc triển khai PBGDPL được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức Ngày Pháp luật hằng năm; thông qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở; biên soạn, phát hành tài liệu, ấn phẩm; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, tổ chức đối thoại chính sách… Các hoạt động PBGDPL cơ bản được lồng ghép trong triển khai công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021 hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc lựa chọn, mở rộng phạm vi địa bàn thực hiện chỉ đạo điểm

Theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 27/4/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn 03 địa bàn trọng điểm (gồm: phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều; phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long; phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả) để chỉ đạo điểm, đây đều là những địa bàn có tình hình an ninh phức tạp với nhiều tệ nạn xã hội.

Từ năm 2020, theo Thông báo số 23/TB-BCĐ ngày 21/4/2020 của Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật lên 06 địa bàn (thêm các địa phương: Phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái; Phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả).

Ở cấp huyện, tùy thuộc vào đặc điểm tình hình và đánh giá mức độ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các huyện, thị xã, thành phố đã lựa chọn các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật để tăng cường triển khai PBGDPL theo phạm vi Đề án

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL tại địa bàn trọng điểm

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đều chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL. Từ năm 2017 30/6/2021, Sở Tư pháp đã tổ chức 09 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho gần 1.000 lượt cán bộ thực hiện công tác PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật thuộc phạm vi Đề án.

Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng là các cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, trưởng khu, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể khu phố, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Ở cấp huyện, việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cũng được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức thường xuyên. Theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn 2017-2021, 13 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức gần 150 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho trên 10.000 lượt cán bộ làm công tác PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.

Việc huy động hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp trên địa bàn trọng điểm tham gia PBGDPL; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật

Để nâng cao chất lượng triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, cộng đồng và doanh nghiệp đã tăng cường phối hợp, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng cho cán bộ, Nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn đều có các hoạt động phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương tăng cường PBGDPL cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật. Các mô hình như Câu lạc bộ Tuổi trẻ với Pháp luật, Phụ nữ với Pháp luật, Nông dân với Pháp luật… đã phát huy hiệu quả. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã duy trì hoạt động hiệu quả của gần 5.000 tổ nhân dân tự quản an ninh, trật tự và hơn 400 cụm nhân dân tự quản ninh trật tự tại các địa phương để tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật nói riêng.

Việc triển khai Đề án tăng cường PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật đã góp phần không nhỏ trong việc phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật, nhất là tỷ lệ người nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội, tỷ lệ vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật có chiều hướng giảm qua hàng năm.

 

Trả lời