Theo tổng hợp từ Ban ATGT tỉnh, so với cùng kỳ năm 2024, từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, kết quả này còn cho thấy những tín hiệu tích cực từ việc triển khai Luật Trật tự, An toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và các quy định mới về bảo đảm ATGT đang dần đi vào cuộc sống.

Thực tế cho thấy, hơn 90% nguyên nhân các vụ TNGT xuất phát từ hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện. Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, Luật TTATGT đường bộ đã cụ thể hóa rõ hơn trách nhiệm của người tham gia giao thông, của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, đồng thời phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT. Một số quy định đáng chú ý như: giấy phép lái xe được phân thành 15 hạng; mỗi GPLX có 12 điểm, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị trừ từ 2 đến 10 điểm. Luật cũng bổ sung quy định kiểm định khí thải bắt buộc đối với xe máy, mô tô đã sử dụng trên 5 năm; không cho trẻ em dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với lái xe (trừ xe chỉ có một hàng ghế); bổ sung một số trường hợp không được vượt xe, không được dừng, đỗ xe; xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị chống bỏ quên trẻ.
Đồng thời, cũng từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực, bổ sung nhiều chế tài mạnh như: tăng mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe… ; đồng thời, quy định rõ cơ chế trừ điểm và phục hồi điểm trên GPLX. Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng cơ chế quản lý điểm trên giấy phép lái xe – một bước tiến lớn trong kiểm soát hành vi vi phạm giao thông theo chuẩn mực quốc tế.

Để đưa các quy định mới nhanh chóng đi vào đời sống, từ cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lễ ra quân đồng bộ, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế tai nạn, giảm ùn tắc. Phòng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến đến hơn 90 trường học trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với các đơn vị ngành than tổ chức hơn 30 buổi tuyên truyền tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Mô hình “sân khấu hóa tuyên truyền ATGT” trong các cơ sở giáo dục bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn ngay từ lứa tuổi học sinh. Những nỗ lực đồng bộ từ chính quyền đến cơ sở đang tạo nên chuyển biến tích cực, từng bước đưa các quy định mới thấm sâu vào đời sống xã hội. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt nhằm kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông, mà còn là bước đi căn cơ, bền vững trong xây dựng văn hóa giao thông, vì sự an toàn và phát triển bền vững của tỉnh.
Em Phạm Đức Bảo, lớp 11A5, Trường THPT Cẩm Phả cho biết: “Qua công tác tuyên truyền của nhà trường, đoàn thành niên, các cơ quan chức năng giúp em hiểu rõ hơn về các quy định và hình phạt vi phạm trật tự ATGT, qua đó nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Pháp luật rất nghiêm minh. Em mong mọi người tự giác chấp hành để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc”.

Thực hiện quy định của Luật, ngay từ đầu năm nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu chuyển sang sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh được sơn màu vàng đặc trưng. Đây là một điểm nhấn dễ nhận diện trong giao thông đô thị, góp phần nâng cao cảnh báo an toàn cho người đi đường. Theo quy định mới, người lái xe đưa đón học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách, đồng thời phương tiện phải được trang bị thiết bị cảnh báo và hệ thống chống bỏ quên trẻ em trên xe. Những quy định này không chỉ tăng cường an toàn cho học sinh mà còn thể hiện quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc nâng chuẩn an toàn giao thông học đường theo hướng hiện đại, nhân văn.
Không chỉ chú trọng tuyên truyền trong trường học, thiếu niên, học sinh, lực lượng chức năng còn tăng cường các hoạt động tuyên truyền tại khu dân cư, chợ, bến xe, bến tàu, khu vực công cộng nơi tập trung đông người lao động và người điều khiển phương tiện cá nhân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các lỗi vi phạm phổ biến, hành vi nguy hiểm dễ dẫn tới tai nạn giao thông và các điểm mới của Luật. Các hoạt động này giúp người dân từng bước hình thành thói quen ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông, đồng thời hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình trên đường phố.
Chị Vũ Thị Mai, khu 5, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long chia sẻ: Trước khi Luật và quy định xử phạt có hiệu lực thi hành, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được các cấp, ngành, cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh. Việc triển khai tích cực các biện pháp tuyên truyền góp phần giúp tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành luật giao thông của cán bộ, học sinh và nhân dân ngày càng được nâng lên, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Song song với đó, các lực lượng chức năng mà nòng cốt là CSGT đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Lực lượng CSGT cũng áp dụng công nghệ cao trong kiểm tra như camera giám sát, thiết bị đo nồng độ cồn, hệ thống nhận diện biển số thông minh để tăng tính hiệu quả, minh bạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 132 vụ TNGT, làm chết 68 người, bị thương 94 người, thiệt hại tài sản hơn 1,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, giảm 50,9% về vụ, 40,3% về người chết và 56,9% người bị thương. Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã kiểm tra hơn 313.000 lượt phương tiện, phát hiện xử lý hơn 34.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 134 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe gần 2.000 trường hợp, trừ điểm hơn 5.800 GPLX, tạm giữ hơn 10.000 phương tiện các loại.
Việc triển khai đồng bộ Luật TTATGT đường bộ 2024 và Nghị định 168/2024/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong siết chặt kỷ cương giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng ngừa tai nạn. Và việc chấp hành nghiêm pháp luật không chỉ là cách tự bảo vệ mình mà còn là hành động thiết thực vì sự an toàn của cộng đồng, là nền tảng để xây dựng xã hội giao thông văn minh, hiện đại và bền vững.
T/h: Thanh Hoa
Chương trình phối hợp PBGDPL và truyền thông năm 2025
Bài viết lên quan