Ngày 25/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã chính thức thông qua Luật số 86/2025/QH15 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2025, với nhiều quy định quan trọng thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo nhân đạo nhưng vẫn nghiêm khắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Dưới đây là những nội dung mới nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2025:
1. Bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh
Một trong những thay đổi lớn và mang tính nhân đạo trong Luật sửa đổi lần này là bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh:
-
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109);
-
Tội gián điệp (Điều 110);
-
Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114);
-
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194);
-
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250);
-
Tội tham ô tài sản (Điều 353);
-
Tội nhận hối lộ (Điều 354);
-
Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Quy định về điều khoản chuyển tiếp
Luật cũng quy định rõ tại Điều 4 về chuyển tiếp hình phạt tử hình:
Trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 01/7/2025 đối với các tội danh nêu trên mà chưa thi hành án, thì không thi hành án tử hình. Thay vào đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Điều này không chỉ đảm bảo tính nhân văn trong pháp luật hình sự hiện đại mà còn phù hợp với xu thế giảm nhẹ hình phạt tử hình trên thế giới.
2. Quy định khắt khe hơn trong việc xét giảm án với tội tham nhũng
Sau khi bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, Luật cũng đồng thời siết chặt điều kiện để được xét giảm án. Cụ thể:
Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chỉ được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù khi:
-
Chủ động nộp lại ít nhất ¾ giá trị tài sản tham ô hoặc nhận hối lộ;
-
Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án;
-
Hoặc lập công lớn, có đóng góp đặc biệt trong việc phát hiện và xử lý tội phạm.
Đây là điểm mới mang tính đột phá, góp phần thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, răn đe hành vi phạm tội, đồng thời khuyến khích thái độ hợp tác, ăn năn hối cải của người phạm tội.
3. Bổ sung tội danh “Sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 256a)
Luật sửa đổi đã bổ sung tội danh mới – “Sử dụng trái phép chất ma túy” – tại Điều 256a, nhằm lấp khoảng trống pháp lý còn tồn tại trước đây, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy.
Theo đó, người nào sử dụng trái phép chất ma túy trong một số trường hợp nhất định sẽ bị xử lý hình sự, cụ thể:
-
Bị phạt tù từ 02 năm đến 03 năm nếu thuộc các trường hợp:
-
Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện bằng thuốc thay thế;
-
Đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện;
-
Đang trong thời hạn 02 năm kể từ khi kết thúc quản lý sau cai nghiện;
-
Đang trong 02 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị bằng thuốc thay thế.
-
-
Tái phạm: bị phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.
Việc xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong các tình huống nêu trên là cần thiết để kiểm soát hiệu quả người nghiện, hạn chế tái nghiện, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy.
4. Nâng mức hình phạt tiền đối với các tội về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy, hàng giả
Luật sửa đổi đã có bước điều chỉnh quan trọng về mức phạt tiền và khung hình phạt tù đối với các nhóm tội có tính chất nghiêm trọng, thường mang lại lợi ích kinh tế bất chính lớn nhưng mức phạt còn chưa tương xứng.
Cụ thể, tăng gấp đôi mức phạt tiền đối với các tội danh như:
-
Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235);
-
Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236);
-
Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248);
-
Tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy (Điều 249, 251);
-
Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317);
-
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, phân bón…
Ý nghĩa thực tiễn
Việc tăng mức phạt tiền và hình phạt tù nhằm:
-
Phù hợp hơn với tính chất nguy hiểm, tinh vi và lợi nhuận lớn của hành vi phạm tội;
-
Tăng tính răn đe;
-
Phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, xét đến mức sống, thu nhập bình quân đầu người và diễn biến phức tạp của tội phạm trong những năm gần đây.
5. Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối được miễn thi hành án tử hình
Luật sửa đổi cũng thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự khi bổ sung thêm một đối tượng được miễn thi hành án tử hình tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự. Theo đó, không thi hành án tử hình đối với:
-
Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
-
Người đủ 75 tuổi trở lên;
-
Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối (nội dung mới được bổ sung).
Quy định này tạo hành lang pháp lý nhân văn, đồng thời bảo đảm quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hiệu lực thi hành
Luật số 86/2025/QH15 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
File đính kèm:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2025.doc
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2025.pdf
Bài viết lên quan