Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, điều hành của NHNN Việt Nam về lãi suất. Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm so với cuối năm 2020. Điều này, sẽ giúp nhiều doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.


Cán bộ Ngân hàng CSXH TP Uông Bí kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp để hướng dẫn thực hiện gói vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Hiện các TCTD trên địa bàn đang áp dụng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; từ 4-5,9%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,6-6,7%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Mức lãi suất này được cho là không hấp dẫn với các nhà đầu tư, tuy nhiên, rất nhiều người dân vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng vì tính an toàn và các dịch vụ gửi tiền ngày càng tiện lợi, nhanh gọn, mức gửi phù hợp với nhiều loại đối tượng khách hàng.

Về lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-8%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung, dài hạn. Cụ thể, doanh số cho vay tháng 6/2021 đạt 23.180 tỷ đồng, dự kiến tháng 7/2021 là 23.300 tỷ đồng, tăng 15,8% so cùng kỳ.

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn khá tích cực, chủ động triển khai các chương trình tín dụng. Trong đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới: đến 30/6/2021 dư nợ cho vay đạt 9.454 tỷ đồng (không tính dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội), tăng 4,7% so với 31/5/2021 và tăng 3,9% so 31/12/2020. Dự kiến đến 31/7/2021 dư nợ đạt 9.500 tỷ đồng.


Doanh nghiệp lĩnh vực du lịch đang rất mong chờ được tiếp cận các gói vay lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng.

Riêng các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 30/6/2021 dư nợ đạt 3.402 tỷ đồng, tăng 1,9% so 31/5/2021 và tăng 4% so với 31/12/2020. Trong đó: cho vay ưu đãi hộ nghèo đạt 92,4 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 264,37 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 17,41 tỷ đồng; cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 586,07 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 1.142,22 tỷ đồng,… Qua đó, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Dự kiến đến 31/7/2021 tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 3.430 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là từ trung tuần tháng 7, rất nhiều ngân hàng đã công bố việc giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với đối tượng là doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) công bố giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng của 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống… Được biết, đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ nay đến cuối năm Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Còn tại TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Không riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước, nhiều ngân hàng cổ phần cũng đã, đang tích cực giảm lãi suất cho vay.

Thêm một trợ lực rất lớn cho doanh nghiệp Quảng Ninh nói riêng cũng như doanh nghiệp cả nước nói chung trong giai đoạn này, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ dành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên, cho biết: Do dịch bệnh Covid-19 nên doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải như chúng tôi đã quá kiệt quệ, khó khăn trăm bề, rất vất vả để duy trì được hoạt động kinh doanh thời gian tới nếu không có những hỗ trợ về vay vốn lãi suất thấp, ưu đãi tối đa. Tôi được biết, với gói hỗ trợ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu đáp ứng đủ điều kiện, là: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn, sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất. Chúng tôi thực sự mong muốn gói hỗ trợ này sớm được tiếp cận.

Được biết, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khoản vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh

Để lại một bình luận