1. Nghị định số 18/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ
Ngày 21/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2024/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ. Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng hoặc truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ quy định tại Điều 68, Điều 69 và Điều 70 Luật Thi đua, khen thưởng; Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng Giải thưởng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về khoa học và công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Khoa học và công nghệ. Việc đặt và tặng giải thưởng của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài về khoa học và công nghệ quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Khoa học và công nghệ.
Theo đó, công trình nghiên cứu phát triển công nghệ được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
– Công trình đặc biệt xuất sắc
Kết quả nghiên cứu của công trình là thành tựu khoa học, công nghệ nổi trội, tiêu biểu, có tính sáng tạo và đổi mới đặc biệt quan trọng về công nghệ hoặc tạo ra được công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế hoặc khu vực.
– Công trình có giá trị rất cao về khoa học, công nghệ
+ Giải quyết được những vấn đề then chốt để cải tiến, đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc được công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín;
+ Góp phần đặc biệt quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo điều kiện hình thành và phát triển ngành nghề mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của ngành kinh tế.
– Công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước hoặc ứng dụng trong thực tiễn có một trong các tác dụng sau:
+ Mang lại hiệu quả kinh tế lớn hoặc tạo ra sản phẩm quốc gia, sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu;
+ Làm thay đổi phương thức lao động, sản xuất truyền thống hoặc cải thiện điều kiện và môi trường lao động, sản xuất hoặc góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân;
+ Phát triển công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới đối với ngành, lĩnh vực, địa phương.
Nghị định số 18/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.
2. Nghị định số 21/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:
Ngày 23/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nghị định sửa quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động. Theo đó, Nghị định 21/2024/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 4 Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:
– Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
– Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Nghị định 51/2016/NĐ-CP .
– Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Nghị định số 21/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.
3. Thông tư số 01/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Quy định quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng:
Ngày 19/02/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định về Quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình. Thông tư này quy định về quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, yêu cầu về giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp như sau:
– Tuân thủ mục tiêu, yêu cầu, nội dung của chương trình đào tạo và các môn học, mô đun trong chương trình.
– Bảo đảm tính chính xác, hệ thống, tính sư phạm; bảo đảm sự cân đối, phù hợp giữa các nội dung chuyên môn và các hình vẽ, bản vẽ, sơ đồ minh họa.
– Nội dung kiến thức, kỹ năng, yêu cầu về năng lực của người học phải đảm bảo mục tiêu của từng chương, bài trong mỗi môn học, mô đun.
– Kết thúc mỗi chương, bài phải có hệ thống câu hỏi, bài tập và phương pháp kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học; giáo trình phải có danh mục tài liệu tham khảo; tài liệu tham khảo phải có nguồn gốc rõ ràng.
– Trình bày ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; sử dụng thuật ngữ chuyên môn nghề nghiệp phổ biến, nhất quán; các hình vẽ, bản vẽ, sơ đồ minh họa phải làm sáng tỏ các kiến thức, kỹ năng.
– Đảm bảo phù hợp với trang thiết bị, nguồn học liệu và các phương pháp, phương tiện dạy học khác.
Thông tư số 01/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 05/4/2024.
4. Thông tư số 57/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải:
Ngày 31/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 57/2023/TT-BGTVT quy định về Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải. Thông tư này quy định về chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải, bao gồm: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện ngắn hạn; Chương trình đào tạo nâng cao; Chương trình bổ túc; Chương trình huấn luyện nghiệp vụ; Chương trình đào tạo hoa tiêu; Chương trình đào tạo tiếng Anh hàng hải. Theo đó, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện ngắn hạn trong Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải như sau:
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đại phó tàu từ 3000 GT trở lên quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đại phó tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đại phó tàu dưới 500 GT (hành trình gần bờ) quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình huấn luyện ngắn hạn để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng tàu dưới 50 GT hành trình gần bờ quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 3000 kW trở lên quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW quy định tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy hai tàu có tổng công suất máy chính dưới 750 kW quy định tại Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình huấn luyện ngắn hạn để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính dưới 75 kW quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan kỹ thuật điện quy định tại Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
Các cơ sở đào tạo, huấn luyện đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải có trách nhiệm hoàn thiện giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện quy định tại Chương II Thông tư này chậm nhất trong vòng 12 tháng, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Trong thời gian các cơ sở đào tạo, huấn luyện hoàn thiện giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện theo quy định tại Chương II Thông tư này thì được tiếp tục đào tạo, huấn luyện theo Quyết định số 2908/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải, hoa tiêu hàng hải và bộ ngân hàng câu hỏi, hướng dẫn trả lời câu hỏi sỹ quan hàng hải, tiếng Anh hàng hải.
Thông tư số 57/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.
File đính kèm:
Nghị định số 21/2024/NĐ-CP của Chính phủ.pdf
Thông tư số 01/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.pdf
Bài viết lên quan