Ngày 24/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, trong đó có sự thay đổi về tổ chức Toà án nhân dân. Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân. Luật gồm 09 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý:
1. Quy định về Toà án thực hiện quyền tư pháp và việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Cụ thể, tại Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định như sau:
Tòa án nhân dân hướng dẫn, hỗ trợ, yêu cầu các các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ tại Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 nêu rõ xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013.
2. Đổi mới tổ chức của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể:
– Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
+ Tòa án nhân dân tối cao;
+ Tòa án nhân dân cấp cao;
+ Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);
+ Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
– Trước đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 không có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cũng không có sự phân cấp giữa Tòa án quân sự.
3. Quy định về ngạch Thẩm phán. Cụ thể tại Điều 90 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định 02 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán.
4. Quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án tại Điều 143 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như sau:
– Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiên lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án
– Chế độ tiền lương và phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
– Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Công chức, viên chức của Tòa án được điều động, luân chuyển, biệt phái tại các Tòa án được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
5. Quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp tại Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể
– Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
– Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán trong thời gian diễn ra phiên họp, phiên tòa phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
6. Quy định về mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo khoản 2 Điều 96 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể:
Người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có đủ tiêu chuẩn như:
+ Là công dân Việt Nam.
+ Trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp.
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
+ Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên.
+ Có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao.
Bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
++ Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao;
++ Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
7. Quy định về nhiệm kỳ Thẩm phán tại Điều 100 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể:
– Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
– Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
8. Quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao tại Điều 51 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể:
– Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao bao gồm:
+ Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao;
+ Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên;
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
+ Văn phòng;
+ Vụ.
– Tòa án nhân dân cấp cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.
9. Quy định về Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cụ thể:
– Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt) tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
– Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt theo Điều 62 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
– Cuối cùng là Điều 63 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt như sau:
+ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền xét xử, giải quyết của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
+ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có bộ máy giúp việc.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Bài viết lên quan