Một số chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 8/2024

1. Thông tư số 06/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các chuyên ngành tài nguyên và môi trường

Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 06/2024/TT-BTNMT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các chuyên ngành tài nguyên và môi trường. Thông tư này quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp các chuyên ngành tài nguyên và môi trường. Thông tư áp dụng đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp các chuyên ngành: địa chính, điều tra tài nguyên môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, kiểm soát khí tượng thủy văn, quan trắc tài nguyên môi trường và đo đạc bản đồ làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập dự xét thăng hạng lên hạng II.

Theo đó, viên chức giữ chức danh nghề nghiệp các chuyên ngành tài nguyên và môi trường được đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

– Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP ).

– Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm ứng với chức danh viên chức dự xét thăng hạng.

– Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng.

– Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III ở chuyên ngành đăng ký dự xét hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh nghề nghiệp hạng III thì phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III ở chuyên ngành đăng ký dự xét tối thiểu 01 năm (12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III ở chuyên ngành đăng ký dự xét không liên tục thì được cộng dồn).

– Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các thành tích công tác sau:

+ Chủ trì hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu;

+ Chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề án, dự án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua, nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc đưa vào sử dụng, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện xác nhận;

+ Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện xác nhận;

+ Chủ trì hoặc tham gia xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật hoặc văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được cấp có thẩm quyền ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;

+ Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên hoặc có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Thông tư 06/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

2. Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại

Ngày 30/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại. Thông tư này quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại, bao gồm: Thành lập, khai trương hoạt động, thay đổi tên, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài; thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch; chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch và ngược lại; chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

Theo đó, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại được thành lập phải đảm bảo:

300 tỷ đồng x N1 + 100 tỷ đồng x M1 + 50 tỷ đồng x N2 + 20 tỷ đồng x M2 < C

Trong đó:

– C là giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng thương mại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 hoặc điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

– N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

– N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

– M1 là số lượng phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

– M2 là số lượng phòng giao dịch đã thành lập và đang đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

– Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

– Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá 03 chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong một năm tài chính.

– Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá năm (05) chi nhánh và số chi nhánh tại vùng nông thôn chiếm ít nhất 50% tổng số chi nhánh được thành lập trong một năm tài chính.

– Ngoài số lượng quy định trên, ngân hàng thương mại đã hoàn tất thủ tục tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội, khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh thì được thành lập tại các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác số chi nhánh tương ứng với số chi nhánh đã chấm dứt hoạt động.

Thông tư 32/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

3. Thông tư số 06/2024/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ: Quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo

Ngày 01/7/2024, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 06/2024/TT-TTCP quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo. Thông tư này quy định việc lập, nộp lưu, bảo quản, quản lý, khai thác hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo.

Thông tư quy định trình tự lập hồ sơ thanh tra như sau:

– Mở hồ sơ

+ Hồ sơ được mở từ ngày người có thẩm quyền ký ban hành quyết định thanh tra;

+ Căn cứ vào kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt, người được giao lập hồ sơ mở và cập nhật thông tin ban đầu về hồ sơ.

– Thu thập, cập nhật văn bản, tài liệu vào hồ sơ

+ Người được giao lập hồ sơ có trách nhiệm thu thập, cập nhật văn bản, tài liệu trong quá trình thanh tra vào hồ sơ đã mở, bảo đảm sự chính xác, toàn vẹn, hệ thống và đầy đủ của hồ sơ;

+ Các văn bản, tài liệu trong hồ sơ phải được sắp xếp theo nhóm quy định tại Điều 7 Thông tư 06/2024/TT-TTCP .

– Kết thúc hồ sơ

+ Hồ sơ được kết thúc vào ngày người có thẩm quyền ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra;

+ Người được giao lập hồ sơ có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ văn bản, tài liệu có trong hồ sơ; loại bản trùng, bản nháp ra khỏi hồ sơ; chỉnh sửa tiêu đề, số và ký hiệu hồ sơ cho phù hợp; hoàn thiện và kết thúc hồ sơ.

Thông tư 06/2024/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 15/8/2024 và thay thế Quyết định 2278/2007/QĐ-TTCP.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2024. Quyết định số 2278/2007/QĐ-TTCP ngày 24 tháng 10 năm 2007 của Tổng Thanh tra ban hành Quy chế lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.

4. Nghị định số 68/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ

Ngày 25/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2024/NĐ-CP quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Nghị định này quy định chi tiết về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; việc cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Theo đó, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ cung cấp bao gồm:

– Tạo và phân phối các cặp khóa.

– Cấp chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Gia hạn chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Thay đổi nội dung thông tin của chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật.

– Công bố và duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Kiểm tra chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ trực tuyến.

– Cấp dấu thời gian.

Nội dung chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ:

– Tên của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Tên của thuê bao.

– Số hiệu chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Thời gian hiệu lực của chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Khóa công khai.

– Chữ ký số của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

– Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ

Nghị định 68/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

File đính kèm:

Để lại một bình luận