Ngày 11/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024. Theo đó, Pháp lệnh này quy định về một số chi phí tố tụng; tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Việc xác định chi phí, tạm ứng chi phí, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí, kinh phí chi trả chi phí trong quá trình Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này. Án phí, lệ phí Tòa án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này.
Chi phí tố tụng trong Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 bao gồm:
- Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí xem xét tại chỗ;
- Chi phí định giá tài sản;
- Chi phí giám định;
- Chi phí cho Hội thẩm;
- Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân;
- Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến;
- Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật;
- Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;
- Chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc, vụ án.
Điều 6 Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 quy định nguyên tắc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được quy định như sau:
– Việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định áp dụng đối với người quy định tại Điều 7 và Điều 8 Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 có yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ, yêu cầu giám định được Tòa án chấp nhận và chỉ miễn, giảm đối với việc xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định do cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức giám định tư pháp công lập thực hiện.
– Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ hoặc một phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định phải nộp mà bên chịu toàn bộ hoặc một phần chi phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn, giảm nộp thì Tòa án chỉ xem xét miễn, giảm đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn, giảm phải chịu theo quy định của Pháp lệnh này. Phần chi phí mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn, giảm nộp.
– Trường hợp được miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định thì cơ quan tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm thanh toán số tiền đã miễn, giảm.
Điều 7 Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 quy định người được miễn tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính bao gồm:
- Trẻ em.
- Cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
- Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
- Người có công với cách mạng.
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở các thôn, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ.
- Người nhiễm chất độc da cam.
Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng số 02/2012/UBTVQH13 hết hiệu lực kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành./.
Bài viết lên quan