Một số chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 02/2025

1. Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục

Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục. Thông tư này quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, gồm: nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; nội dung, hoạt động thanh tra nội bộ của cơ sở giáo dục.

Theo đó, Điều 7 Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm:

– Ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.

– Thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em.

– Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.

– Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm.

– Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.

– Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.

– Công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2025 và thay thế các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đây:

  • Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2013 hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục;
  • Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 12 năm 2012 quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục;
  • Thông tư số 31/2014/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 9 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 12 năm 2012 quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục;
  • Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2012 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp.
  • Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 10 năm 2016 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi.
  • Thông tư số 24/2016/TT-BGDĐT ngày 14 tháng 11 năm 2016 ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục.

2. Thông tư số 13/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp: Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp

Ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 13/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp. Thông tư này áp dụng đối với viên chức thực hiện công việc trong lĩnh vực lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo đó, tiêu chuẩn chung chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp bao gồm:

– Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp

  • Có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan, tận tụy với công việc; thực hiện đúng quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.
  • Tuân thủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
  • Thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, tổ chức.
  • Chủ động, sáng tạo đề xuất giải pháp, sáng kiến trong công tác lý lịch tư pháp.
  • Tiêu chuẩn khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp.

– Tiêu chuẩn chung về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

  • Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Luật.
  • Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp.

Thông tư 13/2024/TT-BTP  có hiệu lực từ ngày 15/01/2024. Trường hợp pháp luật về viên chức hoặc văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định mới tại văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Thông tư số 14/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp: Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp

Ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BTP quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lý lịch tư pháp. Thông tư này áp dụng đối với viên chức thực hiện công việc trong lĩnh vực Lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.

Cụ thể, tiêu chuẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng với chức danh nghề nghiệp viên chức lý lịch tư pháp như sau:

– Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).

– Đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 13/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.

– Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhu cầu vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;

Thông tư số 14/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.

4. Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Quy chế này quy định về tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; áp dụng đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; các tổ chức và cá nhân có liên quan. Việc tuyển sinh đối với các trường chuyên biệt thực hiện theo quy định về tuyển sinh tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt.

Theo đó, số môn thi, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2025 sẽ gồm: Toán, Ngữ văn và 01 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 trong 02 phương án sau:

– Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp

– Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.

Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý lựa chọn.

Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/02/2025. Thông tư này thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 Điều 7 và khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Thông tư này quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp); quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH được áp dụng đối với: cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở đào tạo); tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Các nội dung của Thông tư này không áp dụng đối với trường hợp sau đây:

  • Nội dung Chương II quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm;
  • Nội dung Chương III quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, các tiêu chí kiểm định chất lượng trường trung cấp, trường cao đẳng (sau đây gọi là trường) bao gồm:

Tiêu chí 1 – Sứ mạng, mục tiêu, tổ chức và quản lý;

Tiêu chí 2 – Hoạt động đào tạo;

Tiêu chí 3 – Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động;

Tiêu chí 4 – Chương trình đào tạo, giáo trình;

Tiêu chí 5 – Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo;

Tiêu chí 6 – Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế;

Tiêu chí 7 – Người học và hoạt động hỗ trợ người học;

Tiêu chí 8 – Giám sát, đánh giá chất lượng.

Trường được đánh giá là đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Tổng số điểm đánh giá các tiêu chí kiểm định đạt từ 80 điểm trở lên;
  • Điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định đạt từ 60% điểm chuẩn của tiêu chí đó;
  • Điểm đánh giá của các tiêu chí 2, 3, 4, 5 đạt từ 80% điểm chuẩn trở lên.

Thông tư 14/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2025. Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, trừ  trường hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo thực hiện đánh giá ngoài trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực 30 ngày thì tiếp tục hoàn thiện đánh giá và công nhận chất lượng cho đến khi cơ sở hoàn thành đánh giá ngoài và tổ chức kiểm định giáo dục nghề nghiệp công nhận chất lượng nhưng không quá 90 ngày kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

File đính kèm:

Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục.pdf

Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.pdf

Thông tư 13/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.pdf

Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.pdf

Thông tư số 14/2024/TT-BTP quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lý lịch tư pháp.pdf

Để lại một bình luận