1. Luật số 36/2024/QH15 của Quốc hội: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Theo đó, có nhiều quy định mới về giao thông như:
– Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe.
– Thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe.
– Thay đổi thời gian bật đèn xe bắt buộc.
– Tăng độ tuổi tối đa của người lái xe.
– Xe mô tô, xe gắn máy phải kiểm định khí thải.
Ngoài ra, Điều 58 Luật này quy định giấy phép lái xe có 12 điểm. Nếu vi phạm sẽ bị trừ điểm tương ứng với tính chất và mức độ vi phạm. Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Giấy phép lái xe sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
2. Luật số 40/2024/QH15 của Quốc hội: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ sửa đổi năm 2024. Trong đó,bổ sung thêm 03 đối tượng được cảnh vệ bao gồm:
– Thường trực Ban Bí thư;
– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngoài ra, Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024 sửa đổi khoản 1 Điều 11 Luật Cảnh vệ 2017 quy định chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:
(1) Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ:
– Được bảo vệ tiếp cận;
– Được bảo vệ nơi ở;
– Được bảo vệ nơi làm việc;
– Được bảo vệ địa điểm hoạt động;
– Được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại;
– Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô; được bố trí toa riêng khi đi công tác bằng tàu hỏa; được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi công tác bằng tàu bay; được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ khi đi công tác bằng tàu thủy.
(2) Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ:
– Được bảo vệ tiếp cận;
– Được bảo vệ nơi ở.
(3) Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị:
– Được bảo vệ tiếp cận;
– Được bảo vệ nơi ở;
– Được bảo vệ nơi làm việc;
– Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.
(4) Đối với Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ:
– Được bảo vệ tiếp cận;
– Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.
(5) Trường hợp một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.
3. Luật số 35/2024/QH15 của Quốc hội: Luật Đường bộ
Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (sau đây gọi là Luật Đường bộ năm 2024), thay thế Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14. Luật gồm 06 Chương, 86 Điều.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện Luật Đường bộ: (a) Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2024; (b) Các quy định chuyển tiếp: Đối với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này thì được tiếp tục đầu tư theo quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật này và các tuyến đường cao tốc quy định tại khoản 1 Điều này thì lộ trình đầu tư xây dựng đáp ứng quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
4. Luật số 37/2024/QH15 của Quốc hội: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Ngày 27/6/2024, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sau đây gọi là Luật) và được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 06/2024/L-CTN ngày 02/7/2024, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.
Luật gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016
Luật Đấu giá tài sản quy định chuyển tiếp như sau:
– Trường hợp người có tài sản đấu giá đã thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành nhưng chưa có kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thì người có tài sản đấu giá tiếp tục thực hiện việc lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15.
– Trường hợp người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành thì việc tổ chức đấu giá được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15.
– Trường hợp người được miễn đào tạo nghề đấu giá đang tập sự hành nghề đấu giá hoặc đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15 trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành, khi đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá thì việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá được tiếp tục thực hiện quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15
5. Luật Thủ đô năm 2024
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô 2024. Theo đó, tại Điều 11 Luật này bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố mà Luật cũ không đề cập đến và hiện nay mới chỉ xuất hiện ở TPHCM, áp dụng với thành phố Thủ Đức.
Khi đó, HĐND thành phố thuộc thành phố tại thành phố Hà Nội sẽ có 2 Phó Chủ tịch HĐND và có tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách không quá 9 người.
Đồng thời, đại biểu chuyên trách HĐND của thành phố Hà Nội sẽ tăng từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu, chiếm ít nhất 25% tổng số đại biểu HĐND…
6. Luật số 25/2023/QH15 của Quốc hội: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Ngày 24/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do Quân đội nhân dân, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.
Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.
7. Luật số 42/2024/QH15 của Quốc hội: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Ngày 29/6/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024. Luật này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ năm 2024 bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ nhằm tạo cơ chế pháp lý để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ; đồng thời, quản lý chặt chẽ số vũ khí do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ.
8. Luật số 34/2024/QH15 của Quốc hội: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Ngày 24/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, gồm 09 chương, 152 điều.
Điều 4 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2024 quy định việc tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân cấp cao;
– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
– Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);
– Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
Bài viết lên quan