Một số chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 01/2025

1. Thông tư số 14/2024/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu

Ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

  • Tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, phân loại phim.
  • Diễn viên tham gia trong tác phẩm điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật.
  • Tổ chức, cá nhân khác liên quan trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu.

Theo đó, nguyên tắc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu được quy định như sau:

– Không sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

– Việc sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm phê phán, lên án các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 13 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

– Việc sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh

Ngoài ra, Thông tư  số 14/2024/TT-BVHTTDL quy định 04 trường hợp được sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh bao gồm:

– Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật;

– Tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định;

– Phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá.

– Các trường hợp khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.

Bên cạnh đó, trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, phân loại phim thì việc phổ biến phim phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

– Phim phải được phân loại theo tiêu chí và thực hiện mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định tại Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.

– Có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.

Thông tư số 14/2024/TT-BVHTTDL có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2025. Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

2. Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều của Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, Thông tư mở rộng phạm vi điều chỉnh của tiêu chuẩn đối với Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78;Trường dự bị đại học.

Sửa đổi khái niệm về công trình kiên cố và công trình bán kiến cố được sử dụng trong Tiêu chuẩn như sau: Công trình kiên cố là các công trình/nhà có niên hạn sử dụng không nhỏ hơn 50 năm và ba kết cấu chính đều được làm bằng vật liệu bền chắc, bao gồm phần kết cấu chịu lực chính làm bằng các loại vật liệu: bê tông cốt thép, gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; Mái làm bằng các loại vật liệu: bê tông cốt thép, tôn, ngói (xi măng, đất nung); Tường bao che làm bằng các loại vật liệu: bê tông cốt thép, gạch/đá, gỗ/kim loại. Công trình bán kiên cố là các công trình/nhà có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 50 năm và hai trong ba kết cấu chính đáp ứng, trong đó phần kết cấu chịu lực chính là bắt.

Ngoài ra, sửa đổi khoản 2 Điều 5 Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT như sau:

– Trường mầm non có quy mô tối thiểu 09 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, xã có quy mô dân số dưới 5.000 người và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 05 nhóm, lớp; trường tại khu vực hải đảo có quy mô tối thiểu 03 nhóm, lớp;

– Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bổ trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau đe tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Bố trí không quá 05 điếm trường; đổi với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 08 điểm trường, trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bổ trí không quá 12 điểm trường.

Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và có hiệu lực thi hành từ ngày 31/01/2025.

3. Thông tư số 25/2024/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam

Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 25/2024/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Thuốc sử dụng trong nông nghiệp:

– Thuốc trừ sâu: 753 hoạt chất với 1834 tên thương phẩm.

– Thuốc trừ bệnh: 725 hoạt chất với 1676 tên thương phẩm.

– Thuốc trừ cỏ: 273 hoạt chất với 853 tên thương phẩm.

– Thuốc trừ chuột: 08 hoạt chất với 49 tên thương phẩm.

– Thuốc điều hoà sinh trưởng: 63 hoạt chất với 187 tên thương phẩm.

– Chất dẫn dụ côn trùng: 08 hoạt chất với 08 tên thương phẩm.

– Thuốc trừ ốc: 31 hoạt chất với 154 tên thương phẩm.

– Chất hỗ trợ (chất trải): 05 hoạt chất với 06 tên thương phẩm.

b) Thuốc trừ mối: 16 hoạt chất với 27 tên thương phẩm.

c) Thuốc bảo quản lâm sản: 07 hoạt chất với 08 tên thương phẩm.

d) Thuốc khử trùng kho: 03 hoạt chất với 10 tên thương phẩm.

đ) Thuốc sử dụng cho sân golf:

– Thuốc trừ bệnh: 02 hoạt chất với 02 tên thương phẩm.

– Thuốc điều hoà sinh trưởng: 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.

e) Thuốc xử lý hạt giống:

– Thuốc trừ sâu: 10 hoạt chất với 16 tên thương phẩm.

– Thuốc trừ bệnh: 12 hoạt chất với 12 tên thương phẩm.

g) Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch

– 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất.

b) Thuốc trừ bệnh: 06 hoạt chất.

c) Thuốc trừ chuột: 01 hoạt chất.

d) Thuốc trừ cỏ: 01 hoạt chất.

Thông tư số 25/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/01/2025. Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

4. Thông tư số 15/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông: Quy định một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông

Ngày 13/12/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BTTTT quy định một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông. Thông tư này quy định về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; về trang phục, Thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và bảo đảm phương tiện, công cụ cho hoạt động thanh tra chuyên ngành. 

Thông tư số 15/2024/TT-BTTTT áp dụng đối với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, thì việc thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông được quy định như sau:

– Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có văn bản gửi Thanh tra Bộ đề nghị thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo mẫu Công văn đề nghị thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành được quy định tại Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTTTT.

– Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp và trình Bộ trưởng xem xét, ký Quyết định thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành. Mẫu Quyết định thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành được quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTTTT.

– Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bị tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành trong các trường hợp sau đây:

+ Có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật mà chưa có quyết định xử lý;

+ Đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật;

+ Bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam.

– Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bị thu hồi Thẻ Thanh tra chuyên ngành trong các trường hợp sau đây:

+ Chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác hoặc không được tiếp tục giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc nghỉ hưu, thôi việc; chết khi đang trong thời gian công tác;

+ Bị Tòa án kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc;

+ Bị mất năng lực hành vi dân sự.

– Sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền chứng minh người được cấp Thẻ không vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ hoặc hết thời hạn xử lý kỷ luật, Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có văn bản gửi Thanh tra Bộ đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành. Mẫu Quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành được quy định tại Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTTTT.

Thông tư số 15/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 28/01/2025 và thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bộ phận tham mưu và hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

File đính kèm:

Thông tư 25/2024/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.pdf

Thông tư số 14/2024/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu.pdf

Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều của Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT.pdf

Thông tư số 15/2024/TT-BTTTT quy định một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông. Thông tư này quy định về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; về trang phục, Thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và bảo đảm phương tiện, công cụ cho hoạt động thanh tra chuyên ngành.pdf

Để lại một bình luận