Một số chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 02/2025

1. Thông tư số 01/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên

Ngày 10/01/2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2025/TT-BGDĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Ban hành kèm theo Thông tư 01/2025/TT-BGDĐT Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, bao gồm:

– Danh mục thiết bị dùng chung các môn học tiếng dân tộc thiểu số 

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Bahnar.

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Chăm.

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Ê đê.

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Jrai.

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Khmer.

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Mnông.

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Mông.

– Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Thái.

– Căn cứ vào Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Thông tư 01/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2025 và thay thế Thông tư số 37/2014/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

2. Thông tư số 01/2025/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội

Ngày 10/01/2025, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội như sau:

– Đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP bao gồm:

+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.

+ Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.

– Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.

Thông tư số 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 1 dưới đây:

Bảng 1:

Năm Trước 1995 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004
Mức điều chỉnh 5,63 4,78 4,51 4,37 4,06 3,89 3,95 3,97 3,82 3,70 3,43
Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015
Mức điều chỉnh 3,17 2,95 2,72 2,21 2,07 1,90 1,60 1,47 1,37 1,32 1,31
Năm 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024 2025
Mức điều chỉnh 1,28 1,23 1,19 1,16 1,12 1,10 1,07 1,04 1,00 1,00

Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.

Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 28/02/2025; các quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH áp dụng kể từ ngày 01/01/2025. Thông tư số 20/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Nghị định số 9/2025/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

Ngày 10/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP ngày 10/01/2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

* Mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật:

– Diện tích lúa:

  • Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
  • Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;
  • Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.

– Diện tích mạ: Thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.

– Diện tích cây hằng năm khác:

  • Giai đoạn cây con (gieo trồng đến 1/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
  • Giai đoạn cây đang phát triển (trên 1/3 đến 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha;
  • Giai đoạn cận thu hoạch (trên 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.

– Diện tích cây trồng lâu năm:

  • Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;
  • Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
  • Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
  • Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.

* Mức hỗ trợ đối với lâm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật:

– Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp mới trồng đến 1/2 chu kỳ khai thác: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.

– Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp trên 1/2 chu kỳ khai thác, diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 03 năm tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.

– Diện tích vườn giống, rừng giống: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.

– Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm:

  • Nhóm cây sinh trưởng nhanh, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.
  • Nhóm cây sinh trưởng chậm, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.

* Mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản):

– Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm): hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

– Nuôi trồng thuỷ sản trong bể, lồng, bè: hỗ trợ 30.000.000 đồng/100 m3 thể tích nuôi bị thiệt hại.

– Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức khác: hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

* Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại (chết, mất tích) do thiên tai:

– Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 15.000 đồng/con đến 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 31.000 đồng/con đến 45.000 đồng/con.

– Chim cút đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 3.000 đồng/con đến 5.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 6.000 đồng/con đến 10.000 đồng/con.

– Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 500.000 đồng/con đến 600.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 610.000 đồng/con đến 1.500.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con.

– Bê cái hướng sữa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 2.000.000 đồng/con đến 4.000.000 đồng/con; bò sữa trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 4.100.000 đồng/con đến 12.000.000 đồng/con.

– Trâu, bò thịt, ngựa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 1.500.000 đồng/con đến 3.000.000 đồng/con; trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 3.100.000 đồng/con đến 7.000.000 đồng/con.

– Hươu sao, cừu, dê, đà điểu: hỗ trợ từ 1.000.000 đồng/con đến 2.500.000 đồng/con.

– Thỏ đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 30.000 đồng/con đến 50.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 51.000 đồng/con đến 70.000 đồng/con.

– Ong mật (đàn): hỗ trợ từ 300.000 đồng/đàn đến 500.000 đồng/đàn.

* Mức hỗ trợ đối với sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm diện tích đang sản xuất hoặc diện tích có muối đã được tập kết trên ruộng): Diện tích sản xuất muối: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.

*  Lưu ý: Trường hợp hỗ trợ bằng giống cây, con, hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Nghị định 9/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2025 và thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Các quy định về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho đến khi có quy định mới của Chính phủ về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.

4. Thông tư số 41/2024/TT-BCT của Bộ Công thương: Quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Công Thương ở địa phương

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 41/2024/TT-BCT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Công Thương ở địa phương. Thông tư này quy định danh mục và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Công Thương tại Ủy ban nhân dân các cấp.

Thông tư số 41/2024/TT-BCT áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Công Thương ở địa phương.

Theo đó, Điều 2 Thông tư 41/2024/TT-BCT quy định về danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Công Thương phải thực hiện định kỳ chuyển đổi bao gồm:

* Cấp các loại giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại, cụ thể:

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG vào chai;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu;

– Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ;

– Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

– Giấy phép bán lẻ rượu;

– Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá;

– Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá;

– Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;

– Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

– Giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương;

– Giấy phép hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương.

* Cấp các loại giấy phép liên quan đến việc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất, kinh doanh, cụ thể:

– Giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất/kinh doanh/sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp;

– Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

– Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

– Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ;

– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG/LNG/CNG vào phương tiện vận tải;

– Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh;

– Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm);

– Giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có công suất dưới 3 MW đặt tại địa phương;

– Thông báo xác nhận công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy các sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Thông tư số 41/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 21/02/2025.

File đính kèm:

Nghị định số 9/2025/NĐ-CP ngày 10/01/2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.pdf

Thông tư số 41/2024/TT-BCT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Công Thương ở địa phương.pdf

Thông tư 01/2025/TT-BGDĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.pdf

Thông tư số 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.pdf

Để lại một bình luận