Một số chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 11/2024

1. Nghị định số 126/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó. Nghị định này không áp dụng với các tổ chức:

  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
  • Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng;
  • Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, Điều 11 Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập hội như sau:

(1) Tên gọi của hội đảm bảo các điều kiện sau:

– Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật;

– Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội;

– Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó;

– Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

(Quy định hiện hành tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP thì tên gọi của hội chỉ cần đảm bảo không trùng lặp)

(2) Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

(3) Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

(4) Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 126/2024/NĐ-CP .

(5)  Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 126/2024/NĐ-CP .

(6) Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác:

– Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

– Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

– Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

– Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

– Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

(7) Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội. (Điểm mới)

Ngoài ra, Điều 18 quy định cơ cấu tổ chức của hội gồm:

– Đại hội.

– Ban chấp hành hội.

– Ban thường vụ hội.

– Ban kiểm tra hội.

– Các tổ chức thuộc hội theo quy định tại Điều 25 Nghị định này do hội tự quyết định căn cứ vào tính chất, phạm vi, quy mô tổ chức hoạt động của hội, phù hợp quy định của pháp luật và điều lệ hội.

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Đồng thời bãi bỏ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù và Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù.

2. Thông tư số 21/2024/TT-BCT của Bộ Công thương: Quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Ngày 10/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BCT quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Thông tư này quy định về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (sau đây viết tắt là thị trường điện) bao gồm các quy định chính sau đây: đăng ký tham gia thị trường điện; lập kế hoạch vận hành thị trường điện; cơ chế chào giá; cơ chế lập lịch huy động; đo đếm điện năng trong thị trường điện; xác định giá thị trường và tính toán thanh toán; công bố thông tin; giám sát vận hành thị trường điện; và trách nhiệm của các đơn vị tham gia thị trường điện.

Thông tư số 21/2024/TT-BCT áp dụng đối với các đơn vị tham gia thị trường điện sau đây:

  • Đơn vị mua buôn điện.
  • Đơn vị phát điện.
  •  Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia – NSMO).
  • Đơn vị truyền tải điện.
  • Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo đó, Điều 12 quy định ngày giao dịch, chu kỳ giao dịch, chu kỳ điều độ, nguyên tắc vận hành như sau:

– Ngày giao dịch được tính từ thời điểm 00h00 đến 24h00 của ngày dương lịch.

– Chu kỳ giao dịch là 30 phút, tính từ thời điểm bắt đầu của mỗi 30 phút trong ngày giao dịch. Khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng được đáp ứng, Cục Điều tiết điện lực xem xét giảm chu kỳ giao dịch nhỏ hơn 30 phút.

– Chu kỳ điều độ là 30 phút, tính từ thời điểm bắt đầu của mỗi 30 phút trong ngày giao dịch. Khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng được đáp ứng, Cục Điều tiết điện lực xem xét giảm chu kỳ điều độ nhỏ hơn 30 phút đồng bộ với việc giảm chu kỳ giao dịch tại khoản 2 Điều này.

– Trong quá trình tham gia thị trường điện, các đơn vị có trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định, tuân thủ lệnh điều độ, hướng dẫn của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện để đảm bảo vận hành thị trường điện ổn định, cạnh tranh hiệu quả, vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy.

Ngoài ra, Điều 15 quy định giá thị trường áp dụng cho đơn vị phát điện trực tiếp giao dịch

– Giá điện năng thị trường áp dụng cho đơn vị phát điện

  • Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm tính toán sau thời điểm vận hành căn cứ trên phương pháp lập lịch không ràng buộc;
  • Không vượt quá giá trần thị trường điện.

– Giá công suất thị trường áp dụng cho đơn vị phát điện

  • Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm tính toán trong quá trình lập kế hoạch vận hành năm tới và không thay đổi trong năm áp dụng;
  • Tính toán trên nguyên tắc đảm bảo cho Nhà máy điện mới tốt nhất thu hồi đủ chi phí biến đổi và chi phí cố định.

– Giá thị trường điện toàn phần áp dụng cho đơn vị phát điện được tính bằng tổng của 02 thành phần sau:

  • Giá điện năng thị trường áp dụng cho đơn vị phát điện;
  • Giá công suất thị trường áp dụng cho đơn vị phát điện.

Thông tư số 21/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/11/2024.

3. Quyết định số 780/QĐ-BNV ngày 05/11/2024 công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

Ngày 05/11/2024, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 780/QĐ-BNV công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Theo đó, danh mục thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội ban hành kèm theo Quyết định 780/QĐ-BNV ngày 05/11/2024 như sau:

– Thủ tục hành chính cấp Trung ương:

+ Thủ tục công nhận ban vận động thành lập hội;

+ Thủ tục thành lập hội;

+ Thủ tục báo cáo tổ chức đại hội thành lập, đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường của hội;

+ Thủ tục thông báo kết quả đại hội và phê duyệt đổi tên hội, phê duyệt điều lệ hội;

+ Thủ tục chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội;

+ Thủ tục hội tự giải thể;

+ Thủ tục cho phép hội hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn.

– Thủ tục hành chính cấp tỉnh:

+ Thủ tục công nhận ban vận động thành lập hội;

+ Thủ tục thành lập hội;

+ Thủ tục báo cáo tổ chức đại hội thành lập, đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường của hội;

+ Thủ tục thông báo kết quả đại hội và phê duyệt đổi tên hội, phê duyệt điều lệ hội;

+ Thủ tục chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội;

+ Thủ tục hội tự giải thể;

+ Thủ tục cho phép hội đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện;

+ Thủ tục cho phép hội hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn.

– Thủ tục hành chính cấp huyện:

+ Thủ tục công nhận ban vận động thành lập hội;

+ Thủ tục thành lập hội;

+ Thủ tục báo cáo tổ chức đại hội thành lập, đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường của hội;

+ Thủ tục thông báo kết quả đại hội và phê duyệt đổi tên hội, phê duyệt điều lệ hội;

+ Thủ tục chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội;

+ Thủ tục hội tự giải thể;

+ Thủ tục cho phép hội hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn.

Quyết định số 780/QĐ-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2024, bãi bỏ những thủ tục hành chính đã được công bố, công khai tại Quyết định 579/QĐ-BNV ngày 15/7/2015.

4. Nghị định số 129/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2016/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế

Ngày 10/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2016/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Theo đó, căn cứ tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 129/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 12 Nghị định 91/2016/NĐ-CP thì việc công bố đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn được quy định như sau:

– Trước khi thực hiện kiểm nghiệm lần đầu, cơ sở kiểm nghiệm gửi hồ sơ công bố theo quy định tại Điều 11 Nghị định 91/2016/NĐ-CP đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua bưu điện.

Cơ sở được thực hiện kiểm nghiệm sau khi Sở Y tế công khai thông tin quy định tại khoản 2 Điều 12 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Nghị định 129/2024/NĐ-CP trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công bố của cơ sở kiểm nghiệm, Sở Y tế có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế và gửi Bộ Y tế các thông tin: tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của cơ sở kiểm nghiệm và danh mục các loại hoạt chất mà đơn vị có khả năng kiểm nghiệm.

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có một trong các thay đổi về tên, địa chỉ, danh mục các loại hoạt chất mà cơ sở có khả năng kiểm nghiệm thì cơ sở kiểm nghiệm có trách nhiệm gửi thông báo việc thay đổi đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở;

Hằng năm, cơ sở kiểm nghiệm có trách nhiệm gửi thông báo các thay đổi khác (nếu có) ngoài các thay đổi được quy định tại khoản này đến Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở để cập nhật thông tin.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ sở kiểm nghiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 91/2016/NĐ-CP , Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở có trách nhiệm cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế và gửi Bộ Y tế các thông tin thay đổi.

Ngoài ra, Các cơ sở sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã gửi hồ sơ tại Bộ Y tế trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, trừ trường hợp cơ sở tự nguyện hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.

Chế phẩm có nhãn đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục lưu thông, sử dụng đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn chế phẩm.

Nhãn chế phẩm đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã sản xuất, in ấn trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng để sản xuất chế phẩm, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Nghị định 129/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/11/2024.

File đính kèm:

Quyết định số 780/QĐ-BNV công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.pdf

Thông tư số 21/2024/TT-BCT quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.pdf

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.pdf

Nghị định số 129/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2016/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.pdf

Để lại một bình luận