1. Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
Ngày 09/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; Thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Theo đó, Điều 68 quy định Chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có trách nhiệm sau đây:
– Được thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại địa điểm ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đã được cấp.
– Được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet sau khi đã ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.
– Được yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng đại lý Internet với mình hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ truy nhập Internet và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp đó.
– Được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Internet, trò chơi điện tử do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức trên địa bàn.
– Có bảng niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử ở nơi mọi người dễ nhận biết, bao gồm các điều cấm quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; Điều 7, Điều 69 Nghị định này.
– Có bảng niêm yết danh sách cập nhật các trò chơi điện tử trên mạng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phát hành tại điểm cung cấp dịch vụ kèm theo phân loại trò chơi theo độ tuổi (thông tin được cập nhật từ trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.
– Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng.
– Không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.
– Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.
– Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quy
Ngoài ra, Điều 69 quy định Người chơi có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Được chơi các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng, cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 7 Nghị định này.
– Được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử bảo đảm quyền lợi theo quy tắc của trò chơi điện tử và quy tắc giải quyết khiếu nại, tranh chấp được công bố trên trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
– Lựa chọn trò chơi điện tử phù hợp với độ tuổi của mình.
– Không được lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
– Thực hiện việc đăng ký thông tin người chơi theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định này, đảm bảo các thông tin đăng ký là chính xác.
– Chấp hành quy định về quản lý giờ chơi, quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Đồng thời bãi bỏ các quy định sau:
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
- Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
- Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Thông tư số 49/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng
Ngày 25/10/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 49/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Cụ thể, Thông tư 49/2024/TT-NHNN quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi:
– Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (trừ trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng);
– Chủ đầu tư đã nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh trả lời cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
(Trong khi đó, Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định chỉ ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi:
– Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng;
– Không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai).
Thông tư 49/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
3. Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp
Ngày 25/10/2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, Thông tư sửa đổi các điều sau của Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH:
– Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1;
– Sửa đổi, bổ sung Điều 2;
– Sửa đổi, bổ sung tên Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13;
– Sửa đổi, bổ sung Điều 14;
– Sửa đổi, bổ sung Điều 15;
– Sửa đổi, bổ sung Điều 16;
– Và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21.
Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH quy định mã số chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp gồm:
– Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) – Mã số: V.09.02.01;
– Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) – Mã số: V.09.02.02;
– Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) – Mã số: V.09.02.03;
– Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) – Mã số: V.09.02.04.
**Mã số chức danh nghề nghiệp giáo viên giáo dục nghề nghiệp gồm:
– Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) – Mã số: V.09.02.05;
– Giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) – Mã số: V.09.02.06;
– Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) – Mã số: V.09.02.07;
– Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) – Mã số: V.09.02.08;
– Giáo viên giáo dục nghề nghiệp (hạng IV) – Mã số: V.09.02.09.
Bãi bỏ Điều 17, Điều 18, Điều 19 và khoản 1 Điều 20 Thông tư số 07/2023/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
4. Nghị định số 128/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại
Ngày 10/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được quy định như sau:
Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá bán ngay trước thời gian khuyến mại của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005, Điều 8, khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005, Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Trong các trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nghị định số 128/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12/2024. Các hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ. Đối với các hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính nộp kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thi thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này.
File đính kèm:
Thông tư 49/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.pdf
Bài viết lên quan