1. Nghị định số 59/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ:
Ngày 25/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 154/2020/NĐ-CP).
Theo đó, trách nhiệm lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 10 Nghị định 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2024/NĐ-CP) như sau:
– Cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
– Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Ngoài ra, Nghị định 59/2024/NĐ-CP cũng bổ sung Mẫu số 12, 13 và 14 vào Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 154/2020/NĐ-CP tại Phụ lục I, gồm:
– Mẫu số 12: Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
– Mẫu số 13: Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
– Mẫu số 14: Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật/dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị định 59/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
2. Nghị định số 39/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:
Ngày 16/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghị định này quy định biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam theo quy định của Luật Di sản văn hóa trong các Danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Danh mục của quốc gia). Theo đó:
– Nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể gồm: nghiên cứu, nhận diện về các biểu đạt, giá trị, chủ thể, hiện trạng, quá trình trao truyền, thực hành, sáng tạo, tái sáng tạo, chức năng xã hội, yếu tố tác động, biện pháp bảo vệ và các nội dung khác nhằm làm sâu sắc hơn về di sản và về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong đời sống.
– Các cơ quan, tổ chức có chức năng, chuyên môn thực hiện nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và cơ quan quản lý di sản trên địa bàn. Các cá nhân thực hiện việc nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nghiên cứu của mình.
– Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do các cơ quan, tổ chức thực hiện phải được nghiệm thu, thông báo rộng rãi cho chủ thể di sản và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
– Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân thực hiện có thể được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
3. Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe:
Ngày 16/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định 65/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 (được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1, Điều 2 Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 và điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27/9/2022) về thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô.
Theo đó hồ sơ cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe bao gồm: Đơn đề nghị theo mẫu quy định; bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính); chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính); 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.
Trường hợp bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
Ngoài ra, Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe bị thu hồi trong các trường hợp sau:
– Có hành vi gian lận để được tham dự tập huấn và kiểm tra để được Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe;
– Cấp cho người không đủ một trong các tiêu chuẩn quy định.
– Do cơ quan hoặc người không có thẩm quyền cấp;
– Bị tẩy xóa, sửa chữa;
– Cho cơ sở đào tạo khác thuê, mượn để sử dụng nhưng không tham gia giảng dạy; hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn để sử dụng.
Nghị định số 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024.
4. Thông tư số 07/2024/TT-BCT của Bộ Công thương: Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện:
Ngày 12/4/2024, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 07/2024/TT-BCT quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Thông tư áp dụng đối với Nhà máy điện hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đấu nối với hệ thống điện quốc gia; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Không áp dụng đối với các đối tượng sau: Nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng biểu giá chi phí tránh được, nhà máy điện độc lập được đầu tư theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), nhà máy điện và tổ máy cung cấp dịch vụ phụ trợ; nhà máy điện áp dụng cơ chế giá mua điện tại các văn bản của cấp có thẩm quyền.
Nguyên tắc xác định giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án; và tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.
Theo quy định, giá phát điện của nhà máy điện, bao gồm (1) Giá hợp đồng mua bán điện; (2) Giá đấu nối đặc thù (nếu có) do bên mua-bán thoả thuận theo phương pháp được quy định tại Thông tư này. Giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).
Thông tư cũng quy định phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở của nhà máy điện; phương pháp xác định giá cố định bình quân của nhà máy điện; phương pháp xác định giá vận hành và bảo dưỡng của nhà máy điện; phương pháp xác định giá biến đổi của nhà máy nhiệt điện; phương pháp xác định giá đấu nối đặc thù; phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện chưa có cơ chế giá mua điện do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương quy định; giá tạm thời; phương pháp xác định giá phát điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng chưa có giá phát điện chính thức.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2024 và thay thế Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra:
– Bãi bỏ Điều 2 Thông tư số 31/2022/TT-BCT ngày 08 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện và Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.
– Bãi bỏ Thông tư số 02/2023/TT-BCT ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện,
5. Thông tư số 10/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam:
Ngày 10/4/2024,Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 10 /2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Cụ thể, danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam gồm:
TT |
TÊN TUYẾN |
THUỘC ĐỊA PHẬN TỈNH, THÀNH PHỐ |
CẤP ĐĂNG KIỂM |
GHI CHÚ |
1. |
Hải Hà – Đảo Trần – Cô Tô | Quảng Ninh | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
2. |
Hải Phòng – Bạch Long Vĩ | Hải Phòng | Tàu biển từ Cấp hạn chế II trở lên | |
3. |
Cửa Việt – Cồn Cỏ | Quảng Trị | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
4. |
Đà Nẵng – Hoàng Sa | Đà Nẵng | Tàu biển cấp không hạn chế | |
5. |
Sa Kỳ – Lý Sơn | Quảng Ngãi | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
6. |
Khánh Hòa – Trường Sa | Khánh Hòa | Tàu biển cấp không hạn chế | |
7. |
Nha Trang – Hòn Nội | Khánh Hòa | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
8. |
Phan Thiết – Phú Quý | Bình Thuận | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
9. |
Vũng Tàu – Côn Đảo | Bà Rịa – Vũng Tàu | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
10. |
Trần Đề – Côn Đảo | Sóc Trăng | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
11. |
Trần Văn Thời – Hòn Chuối | Cà Mau | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
12. |
Rạch Giá – Thổ Châu | Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
13. |
Rạch Giá – Nam Du | Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
14. |
Rạch Giá – Phú Quốc | Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | Gồm 05 tuyến từ Rạch Giá đến Hàm Ninh, An Thới, Bãi Vòng, Dương Đông, Vịnh Đầm (Phú Quốc) |
15. |
Kiên Lương – Phú Quốc | Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên; phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB (trừ tàu khách) | Gồm 05 tuyến từ Hòn Chông đến Hàm Ninh, An Thới, Bãi Vòng, Dương Đông, Vịnh Đầm (Phú Quốc) |
16. |
Hà Tiên – Phú Quốc | Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên; phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB (trừ tàu khách) | Gồm 7 tuyến từ khu vực cụm cảng Hà Tiên đến Hàm Ninh, Gành Dầu, An Thới, Bãi Vòng, Dương Đông, Vịnh Đầm, Đá Chồng (Phú Quốc)
Gồm 7 tuyến từ xã Tiên Hải, Thành phố Hà Tiên đến đến Hàm Ninh, Gành Dầu, An Thới, Bãi Vòng, Dương Đông, Vịnh Đầm, Đá Chồng (Phú Quốc) |
17. |
Phú Quốc – Thổ Châu | Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
18. |
Nam Du – Phú Quốc | Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | Gồm 04 tuyến từ Nam Du đến Dương Đông, An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Vòng (Phú Quốc) |
19. |
Cần Thơ – Côn Đảo | Cần Thơ/Bà Rịa-Vũng Tàu | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
20. |
Khai Long – Hòn Khoai | Cà Mau | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
21. |
Năm Căn – Hòn Khoai | Cà Mau | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
22. |
Năm Căn – Hòn Chuối | Cà Mau | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
23. |
Năm Căn – Phú Quốc | Cà Mau/Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
24. |
Năm Căn – Nam Du | Cà Mau/Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
25. |
Năm Căn – Thổ Châu | Cà Mau/Kiên Giang | Tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên | |
26. |
Sông Đốc – Thổ Châu | Cà Mau/Kiên Giang | Tàu biển từ hạn chế II trở lên | |
27. |
Sông Đốc – Phú Quốc | Cà Mau/Kiên Giang | Tàu biển từ hạn chế II trở lên | |
28. |
Sông Đốc – Nam Du | Cà Mau/Kiên Giang | Tàu biển từ hạn chế II trở lên | |
29. |
Khai Long – Phú Quốc | Cà Mau/Kiên Giang | Tàu biển từ hạn chế II trở lên | |
30. |
Đà Nẵng – Lý Sơn | Đà Nẵng/Quảng Ngãi | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
31. |
Thành phố Hồ Chí Minh – Côn Đảo | Thành phố Hồ Chí Minh/Bà Rịa-Vũng Tàu | Tàu biển từ hạn chế II trở lên | |
32. |
Cửa Tùng – Cồn Cỏ | Quảng Trị | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
33. |
Vịnh An Hòa – Lý Sơn | Quảng Nam/Quảng Ngãi | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
34. |
Cửa Đại – Lý Sơn | Quảng Nam/Quảng Ngãi | Phương tiện thủy nội địa cấp VR- SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
35. |
Cù Lao Chàm- Lý Sơn | Quảng Nam/Quảng Ngãi | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
36. |
Đà Nẵng – Cù Lao Chàm | Đà Nẵng/Quảng Nam | Tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên | |
37. |
Trà Vinh – Côn Đảo | Trà Vinh/Bà Rịa-Vũng Tàu | Tàu biển từ hạn chế II trở lên | |
38. |
Bến Tre – Côn Đảo | Bến Tre/Bà Rịa-Vũng Tàu | Tàu biển từ hạn chế II trở lên |
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
6. Thông tư số 08/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt:
Thông tư 08/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 19/2018/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Theo đó, nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường sắt được quy định như sau:
(1) Đối với đăng kiểm viên đường sắt
– Tham gia thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận đối với các nội dung liên quan đến phương tiện, không bao gồm hệ thống tín hiệu lắp đặt trên phương tiện;
– Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt;
– Lập hồ sơ đăng kiểm cho các đối tượng nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 19/2018/TT-BGTVT;
– Tính các loại giá và lệ phí đăng kiểm theo quy định của pháp luật;
– Hướng dẫn thực tập cho học viên đã hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt;
– Tham gia tập huấn, đánh giá năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho học viên, đăng kiểm viên;
– Thực hiện những nhiệm vụ khác khi có yêu cầu.
(2) Đối với đăng kiểm viên đường sắt bậc cao
– Đăng kiểm viên đường sắt bậc cao thực hiện các nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường sắt theo quy định tại khoản (1);
– Tham gia hỗ trợ phân tích, xác định nguyên nhân sự cố tai nạn giao thông đường sắt liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt khi có yêu cầu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
7. Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái:
Ngày 31/3/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Trong đó quy định cấu trúc đề thi sát hạch giấy phép lái xe hạng A1, A2 được quy định như sau:
**Phần thi lý thuyết:
– Thời gian làm bài: 19 phút;
– Đề thi giấy phép lái xe hạng A1, A2 được thiết kế gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó: có 24 câu hỏi được tính 01 điểm mỗi câu và có 01 câu nếu lựa chọn đáp án sai được tính là điểm liệt; mỗi câu có từ 02 đến 04 ý trả lời, thí sinh đọc đề bài và lựa chọn ra đáp án đúng nhất. Trường hợp bị điểm liệt trong bài thi thì không đạt nội dung sát hạch Lý thuyết.
– Điểm đạt yêu cầu đối với hạng A1: từ 21/25 điểm trở lên.
– Điểm đạt yêu cầu đối với hạng A2: từ 23/25 điểm trở lên.
**Phần thi thực hành, bao gồm 4 bài sát hạch:
– Bài sát hạch số 1: Đi qua hình số 8.
– Bài sát hạch số 2: Đi qua vạch đường thẳng.
– Bài sát hạch số 3: Đi qua đường có vạch cản.
– Bài sát hạch số 4: Đi qua đường gồ ghề.
Thời gian thực hiện các bài sát hạch nêu trên là: 10 phút.
Thang điểm: 100 điểm.
Điểm đạt: Từ 80 điểm trở lên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
Đối với các khóa đào tạo đã tuyển sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ sở đào tạo tiếp tục tổ chức đào tạo theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT, Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT, Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT, Thông tư số 05/2023/TT-BGTVT).
Người vắng, trượt trong các kỳ sát hạch để được cấp lại giấy phép lái xe trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà đăng ký sát hạch lái xe sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì được xét duyệt và sát hạch theo quy định tại Thông tư này.
Người học nâng hạng giấy phép lái xe đã học nội dung kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khóa đào tạo để được cấp giấy phép lái xe hiện có thì được bảo lưu kết quả, không phải học lại.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không thực hiện được xác thực định danh điện tử của tổ chức hoặc công dân do Hệ thống định danh và xác thực điện tử bị lỗi thì tổ chức, cá nhân xuất trình một trong các giấy tờ còn hiệu lực sau: bản sao giấy đăng ký kinh doanh, bản sao căn cước công dân, bản sao chứng minh nhân dân, bản sao hộ chiếu khi thực hiện các thủ tục hành chính./.
8. Thông tư số 05/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm:
Ngày 29/03/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm. Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng công lập có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng (sau đây gọi chung là trường cao đẳng sư phạm).
Theo đó, viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I), mã số V.07.08.20 khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
– Trường cao đẳng sư phạm có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.
– Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21.
– Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I), mã số V.07.08.20; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật
– Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II), mã số V.07.08.21; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I), mã số V.07.08.20 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT.
Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2024.
Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công lập hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành.
9. Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ: Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa:
Ngày 28 tháng 3 năm 2024 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thông tư này quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa gồm: quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.
Thông tư quy định rõ một số nội dung quan trọng như:
– Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đảm bảo các nguyên tắc sau: Nguyên tắc “Một bước trước – một bước sau”, Nguyên tắc “Sẵn có của phần tử dữ liệu chính”, Nguyên tắc “Minh bạch”, Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ của các bên truy xuất nguồn gốc”.
– Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau: Tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh; mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.
– Sản phẩm trong từng sự kiện sau mỗi công đoạn được định danh mã truy xuất nguồn gốc để truy xuất nguồn gốc. Mã truy xuất nguồn gốc được mã hóa trong vật mang dữ liệu.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về quản lý việc sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu; quy định quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Thông tư 02/2024/TT – BKHCN có 5 Chương và 14 Điều, thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2024. Các tổ chức, cá nhân đã xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, nếu có nhu cầu kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia thì thực hiện việc rà soát, công bố phù hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
File đính kèm:
Thông tư 07/2024/TT-BCT quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.pdf
Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.pdf
Bài viết lên quan