1. Luật số 57/2024/QH15: Sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024
Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024. Theo đó, bổ sung Điều 36a Luật đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt:
* Đối tượng: Dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế:
– Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
– Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
* Hồ sơ đăng ký đầu tư:
– Tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật này.
– Cam kết đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
– Đề xuất dự án đầu tư: nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
* Quy trình thủ tục
-Hồ sơ đăng ký được gửi cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (Ban Quản lý).
– Ban quản lý đánh giá hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 15 ngày
* Các thủ tục liên quan
Dự án đăng ký đầu tư đặc biệt không phải thực hiện thủ tục sau:
– Chấp thuận chủ trương đầu tư,
– Thẩm định công nghệ,
– Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường,
– Lập quy hoạch chi tiết,
– Cấp Giấy phép xây dựng
– Các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy
* Hậu kiểm: Ban Quản lý có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề phát sinh đối với dự án.
Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 có hiệu lực thi hành từ 15/01/2025.
2. Thông tư số 19/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại chính quyền địa phương
Ngày 28/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2024/TT-BGDĐT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại chính quyền địa phương. Thông tư này quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại chính quyền địa phương. Thông tư số 19/2024/TT-BGDĐT áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại chính quyền địa phương.
Theo đó, danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo phải định kỳ chuyển đổi bao gồm:
– Tuyển sinh, đào tạo thuộc các trường công lập.
– Phân bổ chỉ tiêu, quản lý tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; phân bổ chỉ tiêu đào tạo sau đại học và chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.
– Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
– Thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, tài liệu, giáo trình, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
– Thẩm định hồ sơ thành lập, cho phép hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý.
– Quản lý các đề án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
– Phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thông tư số 19/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2025 và thay thế Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương.
3. Thông tư số 14/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp: Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp
Ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BTP quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp. Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp như sau:
– Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).
– Đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 13/2024/TT-BTP.
– Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhu cầu vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;
– Được cấp có thẩm quyền cử tham dự xét thăng hạng.
Thông tư số 14/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2025.
4. Thông tư số 51/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ngày 29/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 51/2024/TT-NHNN quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này quy định về kiểm toán độc lập báo cáo tài chính, thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư này áp dụng đối với:
- Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
- Tổ chức kiểm toán độc lập, kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Điều 8 quy ddijnhj nội dung kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
– Kiểm toán độc lập báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm kiểm toán:
+ Báo cáo tình hình tài chính;
+ Báo cáo kết quả hoạt động;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
+ Thuyết minh báo cáo tài chính.
– Thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Kết quả kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
– Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính;
– Báo cáo thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính;
– Thư quản lý và các tài liệu, bằng chứng liên quan.
Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thư quản lý phải phản ánh những vấn đề, sự kiện cụ thể trong quá trình kiểm toán, bao gồm: hiện trạng thực tế, khả năng rủi ro, kiến nghị của kiểm toán viên và ý kiến của người quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến sự kiện đó. Thư quản lý tối thiểu phải có các nội dung sau:
– Phương pháp tiếp cận chung, phạm vi của cuộc kiểm toán và các yêu cầu cần bổ sung;
– Đánh giá những thay đổi về chính sách và thông lệ quan trọng ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
-Rủi ro có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
– Đề xuất điều chỉnh của tổ chức kiểm toán độc lập và kiểm toán viên hành nghề đối với vụ việc, sự kiện đã ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
– Ý kiến không thống nhất với người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các vấn đề có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc đến ý kiến của kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập. Kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập phải nêu rõ tình trạng giải quyết những ý kiến không thống nhất đó và mức độ ảnh hưởng của vấn đề;
– Các vấn đề khác được thỏa thuận trong hợp đồng kiểm toán.
Thông tư số 51/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2025. Các quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thông tư số 24/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
5. Thông tư số 85/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 69/2022/TT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm
Ngày 29/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 85/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 69/2022/TT-BTC hướng dẫn chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Theo đó, quy định chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
– Thí sinh sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo giấy tờ về nhân thân (Thẻ Căn cước/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu) khi tham dự kỳ thi;
– Cá nhân nhờ người khác thi hộ kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm;
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và cá nhân đã gian dối trong việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm;
– Chứng chỉ bị thu hồi theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Thông tư số 85/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2025.
File đính kèm:
Bài viết lên quan