1. Thông tư 02/2023/TT-TTCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương:
Ngày 22/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-TTCP về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Thanh tra tỉnh có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.
– Chánh Thanh tra tỉnh là người đứng đầu cơ quan Thanh tra tỉnh, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, của Chánh Thanh tra tỉnh và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ;
– Phó Chánh Thanh tra tỉnh là người giúp Chánh Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ do Chánh Thanh tra tỉnh phân công, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra tỉnh và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Khi Chánh Thanh tra tỉnh vắng mặt, một Phó Chánh Thanh tra tỉnh được Chánh Thanh tra tỉnh ủy nhiệm thay Chánh Thanh tra tỉnh điều hành các hoạt động của Thanh tra tỉnh.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Phó Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật và đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh.
**Tổ chức của Thanh tra tỉnh:
Thanh tra tỉnh có văn phòng và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra.
Việc thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Thanh tra tỉnh phải bảo đảm các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế của pháp luật về chính quyền địa phương, pháp luật về thanh tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh.
2. Quyết định 30/2023/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao:
Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2023/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao. Quyết định này thay thế Quyết định số 11/2019/QĐ-TTg ngày 18/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao. Quyết định số 30/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2024.
Theo đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền: Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh và dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; chiến lược, kế hoạch dài hạn, chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định Dự thảo thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác người Việt Nam ở nước ngoài sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài theo thẩm quyền; chủ trì nghiên cứu, tổng hợp đánh giá và đề xuất các vấn đề có tính dự báo, chiến lược liên quan đến tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thực hiện công tác đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài; vận động thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước; tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ với trong nước; hỗ trợ kết nối đổi mới sáng tạo.
Thông tin, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình đất nước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Thực hiện hợp tác quốc tế liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Thực hiện quản lý đối với các tổ chức xã hội liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Thực hiện công tác khen thưởng trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm; thực hiện chế độ tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách khác đối với công chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có 04 đơn vị: Vụ Nghiên cứu tổng hợp; Vụ Thông tin – Văn hóa; Vụ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ; Văn phòng. Như vậy, so với quy định cũ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã giảm bớt 02 đơn vị là Vụ Pháp chế – Thanh tra và Tạp chí Quê hương.
Việc ban hành Quy chế làm việc, các quyết định quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có Chủ nhiệm và không quá 04 Phó Chủ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phân công một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ủy ban.
3. Thông tư số 21/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch
Theo đó, sửa đổi quy định về định mức cho quy hoạch mạng lưới kết cấu hạ tầng xã hội (bao gồm kết cấu hạ tầng quốc phòng, an ninh) được xác định trên cơ sở quy hoạch ngành chuẩn cho lĩnh vực xã hội; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được xác định trên cơ sở vùng chuẩn, tỉnh chuẩn. Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược đối với các quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Riêng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia và Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược… Nguyên tắc áp dụng định mức cho hoạt động quy hoạch được quy định như sau:
– Định mức quy định tại Thông tư này là định mức tối đa để thực hiện các nội dung công việc trong hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch.
– Định mức cho quy hoạch mạng lưới kết cấu hạ tầng xã hội (trong đó bao gồm kết cấu hạ tầng quốc phòng, an ninh) được xác định trên cơ sở quy hoạch ngành chuẩn cho lĩnh vực xã hội; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được xác định trên cơ sở vùng chuẩn, tỉnh chuẩn. Định mức cho từng ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng xã hội, từng vùng và từng tỉnh cụ thể được điều chỉnh theo hướng dẫn tại Phụ lục I Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT.
(Trước đây, Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT quy định: Định mức cho quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được xác định trên cơ sở ngành chuẩn, vùng chuẩn, tỉnh chuẩn và được điều chỉnh theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT).
– Căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ lập quy hoạch, trường hợp cần thiết phải thực hiện các công việc điều tra cơ bản thì áp dụng định mức theo quy định của pháp luật hiện hành, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Thông tư 21/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2023.
4. Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công thương: Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương
Ngày 27/12/2023, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương (viết tắt là Thông tư số 38/2023/TT-BCT), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2024. Theo đó, danh mục số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực thuộc ngành công thương như sau:
**Số liệu hoạt động đối với lĩnh vực năng lượng
*Số liệu liên quan đến lượng nhiên liệu dạng lỏng
– Dầu thô;
– Khí tự nhiên hóa lỏng;
– Khí đồng hành;
– Các loại dầu hỏa khác;
– Dầu DO;
– Dầu FO;
– Dầu nhờn;
– LPG;
– Ethan;
– Nguyên liệu nhà máy lọc dầu;
– Sáp Parafin;
– Các sản phẩm dầu mỏ khác.
*Số liệu liên quan đến lượng nhiên liệu rắn và khí công nghiệp
– Than anthracite;
– Than cốc;
– Than bitum;
– Than bitum khác;
– Than cốc luyện kim;
– Khí nhà máy lọc dầu;
– Khí than cốc;
– Nhựa than;
– Khí công nghiệp;
– Khí lò luyện than cốc;
– Khí lò cao.
*Số liệu liên quan đến dầu và khí tự nhiên
– Lượng đốt đuốc;
– Lượng xả vent;
– Lượng condensate;
– Lượng nhiên liệu được lưu chứa;
– Lượng hoạt động phát tán khác;
– Lượng khí tự nhiên (khô);
– Các dạng nhiên liệu khác.
*Số liệu liên quan đến các dạng nhiên liệu khác có thành phần nguồn gốc hóa thạch
– Chất thải đô thị (thành phần có nguồn gốc hóa thạch);
– Chất thải công nghiệp (thành phần có nguồn gốc hóa thạch);
– Dầu thải.
*Số liệu liên quan đến lượng nhiên liệu sinh khối
– Gỗ hoặc các phế phẩm từ gỗ;
– Dịch đen (dịch kiềm thải,…);
– Than củi;
– Than bùn;
– Xăng sinh học;
– Dầu sinh học;
– Nhiên liệu sinh học lỏng khác;
– Khí bãi chôn lấp;
– Khí từ bùn;
– Khí sinh học khác;
– Các nhiên liệu sinh khối khác.
*Số liệu liên quan đến quá trình khai thác than
– Lượng than được sản xuất trong giai đoạn khai thác;
– Lượng than được sản xuất trong giai đoạn sau khai thác;
– Lượng khí Mê-tan (CH4) được thu hồi;
– Khoảng thời gian đóng cửa mỏ;
– Số lượng mỏ bỏ hoang.
**Số liệu hoạt động đối với các quá trình công nghiệp
*Số liệu liên quan đến lượng khai khoáng và hóa chất
– Đá vôi hoặc các muối các-bon-nát;
– A-mô-ni-ắc;
– A-xít nitơ ric;
– Các loại a-xít khác;
– Các-bua;
– Ti-tan;
– Rutile tổng hợp;
– Rutile TiO2;
– Trona;
– Acrylonitrile;
– Các-bon đen;
– Hóa chất huỳnh quang;
– Hợp chất flour;
– Sáp parafin (có hàm lượng carbon);
– Chất bôi trơn (có hàm lượng carbon);
– Các nhiên liệu gốc dầu mỏ, hóa thạch khác.
*Số liệu liên quan đến lượng sản phẩm sản xuất
– Thép thô;
– Gang;
– Sắt hoàn nguyên trực tiếp;
– Quặng thiêu kết hoặc quặng vê viên;
– Hợp kim sắt;
– Nhôm;
– Ma-giê;
– Chì;
– Kẽm.
**Số liệu hoạt động liên quan đến quá trình sử dụng các sản phẩm gây phá hủy tầng ô-dôn và gây hiệu ứng nhà kính
– SF6;
– HFCs, HCFCs;
– PFCs;
– NF3.
**Các số liệu hoạt động khác có liên quan đến việc tính toán, kiểm kê phát thải KNK cấp lĩnh vực thuộc ngành Công Thương.
5. Thông tư số 19/2023/TT-NHNN quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngày 28/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 19/2023/TT-NHNN quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư nêu rõ mục đích giám sát tiêu hủy tiền đảm bảo công tác tiêu hủy tiền thực hiện theo quy định của pháp luật và của NHNN; đảm bảo an toàn tài sản và bí mật Nhà nước trong công tác tiêu hủy tiền; đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong công tác tiêu hủy tiền.
Theo đó việc giám sát kiểm đếm tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được quy định như sau:
– Giám sát việc giao, nhận tiền hàng ngày tại Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy theo quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.
– Giám sát việc thực hiện kiểm đếm tiền tiêu hủy. Giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông được phát hiện trong khâu kiểm đếm tiền.
– Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm xác nhận kết quả kiểm đếm thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập. Số tiền chưa kiểm đếm hết hoặc đã kiểm đếm nhưng chưa giao Tổ cắt hủy tiền phải được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy và gửi lại kho của Hội đồng tiêu hủy.
– Trong quá trình giám sát, công chức giám sát được quyền yêu cầu kiểm đếm lại đối với tiền đã kiểm đếm trong ngày để đảm bảo tính chính xác của các bó tiền đã được kiểm đếm.
– Đối với những loại tiền tiêu hủy không thực hiện kiểm đếm 100%, kết quả kiểm đếm phát hiện thừa, thiếu, lẫn loại hoặc có tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông trên tổng số lượng tiền đã kiểm đếm vào cuối mỗi đợt tiêu hủy theo quyết định của Thống đốc vượt quá các tỷ lệ quy định tại Điều 11 Thông tư 19/2023/TT-NHNN thì Tổ giúp việc báo cáo Hội đồng giám sát đề nghị Hội đồng tiêu hủy tăng tỷ lệ kiểm đếm đối với loại tiền có sai sót nhiều.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 11/2/2024.
File đính kèm:
Thông tư số 19/2023/TT-NHNN quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.pdf
Bài viết lên quan