1. Thông tư số 01/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Quy định về quản lý seri tiền mới in của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Ngày 29/3/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư này quy định việc quản lý seri tiền mới in đối với các loại tiền giấy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) được thực hiện từ khi cấp vần seri, sử dụng vần seri trong quá trình in tiền cho đến khi tiền mới in được phát hành vào lưu thông. Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm: Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước: Cục Phát hành và Kho quỹ, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh); Cơ sở in, đúc tiền; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Thông tư quy định nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền như sau:
– Nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền
+ Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi;
+ Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi;
+ Mỗi tờ tiền có một seri riêng.
– Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền
+ Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc quy định nêu trên. Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế. Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN;
+ Cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất.
Tài liệu về vần seri được lưu trữ tại cơ sở in, đúc tiền theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 5 năm 2024. Đồng thời, Quyết định số 28/2007/QĐ-NHNN ngày 21 tháng 6 năm 2007 của Ngân hàng Nhà nước Ban hành Quy chế quản lý seri tiền mới in hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
2. Nghị định số 26/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp:
Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 26/2024/NĐ-CP quy định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Nghị định này quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác, thực hiện hợp tác và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Theo Nghị định, hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp gồm toàn bộ hoặc một phần nội dung sau:
– Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
– Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
– Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật.
– Cải cách tư pháp.
Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được thực hiện dưới các hình thức: Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.
– Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Nghị định 26/2024/NĐ-CP được thực hiện dưới các hình thức sau:
+ Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
+ Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án.
+ Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.
– Các nội dung và hình thức hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp không quy định tại mục này thì thực hiện theo quy định pháp luật khác có liên quan.
Nghị định 26/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật.
3. Thông tư số 04/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập:
Ngày 29/3/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập. Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập, bao gồm:
- Danh mục vị trí việc làm; bản mô tả vị trí việc làm;
- Khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo.
Theo đó, bản mô tả vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gồm các nội dung:
– Tên vị trí việc làm;
– Mục tiêu vị trí việc làm;
– Các công việc và tiêu chí đánh giá;
– Phạm vi quyền hạn;
– Các mối quan hệ trong công việc;
– Các yêu cầu về trình độ, năng lực.
Bên cạnh đó, khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gồm các nội dung:
– Về trình độ, phẩm chất gồm: Trình độ đào tạo; bồi dưỡng, chứng chỉ; kinh nghiệm công tác; phẩm chất cá nhân; các yêu cầu khác theo vị trí việc làm;
– Về năng lực, gồm: Nhóm năng lực chung; nhóm năng lực chuyên môn; nhóm năng lực quản lý;
– Khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý phải phù hợp với tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý do cấp có thẩm quyền quy định; khung năng lực của các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo đảm bảo phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo quy định tại Phụ lục V Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT.
Bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực của các vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và hướng dẫn tại các nội dung trên cơ sở giáo dục xây dựng bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực cụ thể của từng vị trí việc làm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
4. Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản:
Ngày 04/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017.
Theo đó, điều kiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam bao gồm:
– Tàu cá có đủ điều kiện hoạt động; đã được đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực ít nhất 06 tháng; có đủ trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá; thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc phù hợp, được quy định chi tiết như sau:
+ Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền thông tin, dữ liệu qua hệ thống thông tin vệ tinh, không thuộc danh sách tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp;
+ Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi chọn số và thu trực canh (DSC) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB).
– Đáp ứng điều kiện khác theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác được quy định chi tiết như sau:
+ Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) theo quy định trong trường hợp tàu cá đi khai thác tại vùng biển thuộc quyền của quản lý của tổ chức nghề cá khu vực hoặc tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác có yêu cầu;
+ Có giám sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển;
+ Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế do Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý
Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2024. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được sử dụng cho đến khi hết thời hạn hoặc đến khi cấp lại theo quy định. Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện theo quy định hiện hành tại thời điểm tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ. Trường hợp quy định tại Nghị định này thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân thì giải quyết theo quy định tại Nghị định này. Ngoài ra, đối với thiết bị giám sát hành trình đã lắp đặt trên tàu cá trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, chủ tàu cá phải thực hiện cập nhật, bổ sung các tính năng kỹ thuật theo quy định tại Nghị định này trước ngày 31 tháng 12 năm 2026.
File đính kèm:
Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.pdf
Nghị định 26/2024/NĐ-CP quy định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.pdf
Bài viết lên quan