1. Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp
Ngày 24/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Nghị định này quy định một số chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản.
Theo đó, Theo đó, hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng như sau:
* Đối tượng và mức hỗ trợ: cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của khu rừng đặc dụng được hỗ trợ bình quân là 50.000.000 đồng/cộng đồng dân cư/năm.
* Nội dung hỗ trợ: Căn cứ vào nguồn kinh phí được hỗ trợ, cộng đồng dân cư xác định nội dung hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau:
– Hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, giống cây trồng, giống vật nuôi; thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ;
– Vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn, nhà văn hóa và các công trình khác.
* Điều kiện được hỗ trợ:
– Cộng đồng dân cư có quá trình bảo vệ rừng tốt, không để xảy ra các vụ vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ rừng;
– Có kế hoạch, dự toán được duyệt; có cam kết bảo vệ rừng với ban quản lý rừng đặc dụng;
– Không trùng lặp nội dung hỗ trợ với dự án được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị định số 58/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2024. Các văn bản, quy định sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:
– Các điểm a, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 91 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
– Chương II, Điều 20 và Phụ lục I, III Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi văn bản khác thì áp dụng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
2. Thông tư số 17/2024/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Về quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải
Ngày 30/5/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 17/2024/TT-BGTVT về quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải. Thông tư này quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải, bao gồm:
1. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II đối với viên chức chuyên ngành kỹ thuật bến phà.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng I, hạng II đối với viên chức các chuyên ngành:
a) Quản lý dự án hàng hải;
b) Quản lý dự án đường thuỷ;
c) Quản lý dự án đường bộ;
d) Quản lý dự án đường sắt;
đ) Kỹ thuật đường bộ;
e) Tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
g) Thông tin an ninh hàng hải;
h) Cảng vụ đường thuỷ nội địa;
i) Cảng vụ hàng hải;
k) Cảng vụ hàng không;
l) Đăng kiểm.
Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành giao thông vận tải làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức hành chính được áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện chung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải như sau:
– Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP ).
– Có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.
– Được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
– Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề, cụ thể như sau:
+ Viên chức được xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng I có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng II và tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng;
+ Viên chức được xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng II có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng III và tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
Thông tư Thông tư số 17/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.
3. Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Ngày 03/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư này quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: nội dung công khai, cách thức và thời điểm công khai, tổ chức thực hiện. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác thực hiện hoạt động giáo dục thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); các tổ chức khác và cá nhân có liên quan.
Cụ thể, nội dung công khai về thu, chi tài chính với cơ sở giáo dục như sau:
– Tình hình tài chính của cơ sở giáo dục trong năm tài chính trước liền kề thời điểm báo cáo theo quy định pháp luật, trong đó có cơ cấu các khoản thu, chi hoạt động như sau:
a) Các khoản thu phân theo: Nguồn kinh phí (ngân sách nhà nước, hỗ trợ của nhà đầu tư; học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học; kinh phí tài trợ và hợp đồng với bên ngoài; nguồn thu khác) và loại hoạt động (giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; hoạt động khác);
b) Các khoản chi phân theo: Chi tiền lương và thu nhập (lương, phụ cấp, lương tăng thêm và các khoản chi khác có tính chất như lương cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên,…); chi cơ sở vật chất và dịch vụ (chi mua sắm, duy tu sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuê mướn các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, phát triển đội ngũ,…); chi hỗ trợ người học (học bổng, trợ cấp, hỗ trợ sinh hoạt, hoạt động phong trào, thi đua, khen thưởng,…); chi khác.
– Các khoản thu và mức thu đối với người học, bao gồm: học phí, lệ phí, tất cả các khoản thu và mức thu ngoài học phí, lệ phí (nếu có) trong năm học và dự kiến cho từng năm học tiếp theo của cấp học hoặc khóa học của cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh, dự tuyển.
– Chính sách và kết quả thực hiện chính sách hằng năm về trợ cấp và miễn, giảm học phí, học bổng đối với người học.
– Số dư các quỹ theo quy định, kể cả quỹ đặc thù (nếu có).
– Các nội dung công khai tài chính khác thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, kế toán, kiểm toán, dân chủ cơ sở.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 7 năm 2024. Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trường hợp pháp luật có quy định khác về nội dung, cách thức, thời gian, thời điểm thực hiện công khai đối với nội dung thông tin cụ thể thì áp dụng theo quy định đó.
4. Thông tư số 02/2024/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn
Ngày 20/5/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BXD Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn. Thông tư này hướng dẫn việc xác định, quản lý chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (sau đây gọi là chi phí quy hoạch tổng mặt bằng) quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo đó, việc xác định chi phí lập, thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng như sau:
– Chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng (đối với các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị): xác định bằng 65% chi phí lập quy hoạch chi tiết đô thị. Chi phí lập quy hoạch chi tiết đô thị xác định theo hướng dẫn xác định chi phí lập đồ án quy hoạch chi tiết đô thị hiện hành.
– Chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng (đối với các khu vực trong khu chức năng): xác định bằng 65% chi phí quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng. Chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng xác định theo hướng dẫn xác định chi phí lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng hiện hành.
– Trường hợp cần phải điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng thì chi phí điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng xác định theo hướng dẫn xác định chi phí điều chỉnh cục bộ của đồ án quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng hiện hành.
– Phí thẩm định đồ án quy hoạch tổng mặt bằng xác định theo quy định hiện hành về phí thẩm định các đồ án quy hoạch.
– Chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch tổng mặt bằng và một số khoản chi phí khác xác định theo hướng dẫn có liên quan đến chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.
File đính kèm:
Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.pdf
Bài viết lên quan