1. Thông tư số 08/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
Ngày 31/7/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 08/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Thông tư quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Thông tư áp dụng với các đối tượng sau:
– Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật.
– Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân loại, thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Thông tư này không áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Theo đó, điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 08/2024/TT-BLĐTBXH như sau:
– Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện giải thể khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
– Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các nghĩa vụ khác có liên quan và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản. Việc xử lý tài chính, tài sản khi giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tư 08/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2024. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
2. Thông tư số 09/2024/TT-BNV của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ
Ngày 26/7/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 09/2024/TT-BNV hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ sau đây:
– Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương.
– Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.
Điều 4 Thông tư 09/2024/TT-BNV quy định số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh như sau:
– Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương: số lượng người làm việc tối thiểu là 24 người, tối đa là 90 người.
– Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh: số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người. Số lượng người làm việc tối đa đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc thành phố trực thuộc trung ương là 30 người, đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc tỉnh là 22 người.
Điều 5 Thông tư 09/2024/TT-BNV quy định tiêu chí xác định số lượng người làm việc tăng thêm so với số lượng người làm việc tối thiểu như sau:
– Đối với tài liệu lưu trữ giấy: số lượng tài liệu lưu trữ từ 2.000 mét giá tài liệu trở lên thì cứ 300 mét giá tài liệu được bố trí thêm 01 người.
– Đối với tài liệu lưu trữ điện tử
a) Dung lượng tài liệu lưu trữ điện tử: mỗi 1.000.000 megabyte thì bố trí 01 người;
b) Số lượng tài liệu ghi âm, ghi hình: mỗi 500 giờ nghe, giờ xem thì bố trí 01 người.
– Đối với tài liệu lưu trữ Mộc bản: từ 15.000 tấm trở lên thì cứ 1.500 tấm bố trí thêm 01 người.
– Đối với Lưu trữ lịch sử có kho lưu trữ chuyên dụng được bố trí thêm tối đa 03 người.
Thông tư 09/2024/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/9/2024.
3. Thông tư số 29/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Giao thông vận tải
Ngày 01/8/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGTVT quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Giao thông vận tải. Thông tư này quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là công chức thanh tra chuyên ngành); nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Giao thông vận tải.
Thông tư áp dụng đối với Thanh tra Bộ Giao thông vận tải; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Thanh tra Sở Giao thông vận tải; các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Đường sắt Việt Nam (sau đây gọi tắt là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải); thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-BGTVT có quy định về cấp hàm của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải như sau:
– Công chức thanh tra chuyên ngành là Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải: cầu vai được gắn 04 sao 23mm thành một hàng dọc cầu vai, có hai vạch phân cấp bằng kim loại màu trắng bóng;
– Công chức thanh tra chuyên ngành là Phó Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải: cầu vai được gắn 03 sao 23mm thành một hàng dọc cầu vai, có hai vạch phân cấp bằng kim loại màu trắng bóng;
– Công chức thanh tra chuyên ngành là Trưởng bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành và tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải: cầu vai được gắn 02 sao 23mm thành một hàng dọc cầu vai, có hai vạch phân cấp bằng kim loại màu trắng bóng;
– Công chức thanh tra chuyên ngành là Phó Trưởng bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành và tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải: cầu vai được gắn 01 sao 23mm ở giữa cầu vai, có hai vạch phân cấp bằng kim loại màu trắng bóng;
– Công chức thanh tra chuyên ngành: cầu vai gắn 01 sao 23mm ở giữa trên 01 vạch phân ngạch màu trắng.
Chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đã được sử dụng để công nhận công chức thanh tra theo quy định tại Thông tư số 68/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Giao thông vận tải được tiếp tục sử dụng cho đến khi có hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.
Thông tư 29/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 20/9/2024.
Thông tư này bãi bỏ các Thông tư sau:
– Thông tư số 68/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Giao thông vận tải;
– Thông tư số 52/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phù hiệu, cờ hiệu, trang phục; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của thanh tra ngành Giao thông vận tải.
4. Nghị định số 106/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Ngày 01/8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nghị định quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bao gồm: sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn, hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao, hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.
Theo đó, Điều 8 Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định về nội dung và mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn như sau:
– Hỗ trợ 100% chi phí về vật tư phối giống nhân tạo gia súc gồm tinh đông lạnh, Nitơ lỏng, găng tay và dụng cụ dẫn tinh để phối giống cho trâu, bò cái; tối đa 03 liều tinh/lần có chửa đối với trâu, bò sữa và 02 liều tinh/lần có chửa đối với bò thịt.
– Hỗ trợ 100% chi phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ tối đa 02 liều tinh/lần phối giống và tối đa 06 liều tinh/nái/năm.
– Hỗ trợ chi phí cho cá nhân được đào tạo về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò) theo chi phí thực tế tối đa 02 tháng lương cơ bản/người/khóa.
– Hỗ trợ một lần không quá 30% chi phí mua bình chứa Nitơ lỏng bảo quản tinh cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò); mức hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/bình/người.
– Hỗ trợ công phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò), mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/con phối giống có chửa.
Nghị định 106/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/9/2024.
File đính kèm:
Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.pdf
Bài viết lên quan