Quảng Ninh nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở

Làm tốt hòa giải ở cơ sở không chỉ góp phần giảm thiểu các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống xã hộigiữ gìn an ninh trật tự mà thông qua đó, hòa giải viên đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đến người dân. Để công tác này đạt hiệu quả thực chất thì việc nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, nhất là hòa giải viên ở cơ sở là một trong giải pháp trọng tâm, cốt lõi.

Tổ hòa giải ở cơ sở khu phố 6, phường Thanh Sơn tổ chức hòa giải tranh chấp ngõ đi giữa các hộ dân trong khu dân cư. Ảnh: Diệu Thuyết (CTV)

Tổ hòa giải ở cơ sở khu phố 6, phường Thanh Sơn tổ chức hòa giải tranh chấp ngõ đi giữa các hộ dân trong khu dân cư. Ảnh: Diệu Thuyết (CTV)

Tỉnh đã xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện để làm nòng cốt triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở. Trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 5 đến 7 tập huấn viên, được xây dựng từ nguồn công chức thuộc phòng tư pháp, ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… Toàn tỉnh hiện có 5 tập huấn viên cấp tỉnh và 70 tập huấn viên cấp huyện. Đội ngũ tập huấn viên hằng năm đều được trang bị tài liệu, văn bản pháp luật, được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nắm vững chính sách, thể chế về hòa giải ở cơ sở; có phương pháp, kỹ năng truyền đạt nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ này. Sở Tư pháp đã biên soạn, in ấn, phát hành cuốn Sách nghiệp vụ dành riêng cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác hòa giải ở cơ sở, bảo đảm 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện đều được trang bị tài liệu này. Tại nhiều lớp tập huấn, hội nghị PBGDPL và các chương trình tọa đàm, hội thảo chuyên đề, Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức, địa phương cũng thường xuyên mời đại biểu là các tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở để lồng ghép tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.

Giai đoạn 2019-2022, Sở Tư pháp đã biên soạn 1 cuốn sách bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ CBCC làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, tập huấn viên; 3 cuốn sách bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, trên 627.000 tờ gấp pháp luật, 14 infographic, 1 video đồ họa phục vụ chung cho công tác PBGDPL, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở. Hội LHPN tỉnh thường xuyên duy trì hơn 307 tủ sách pháp luật với hơn 3.000 đầu sách tại cơ sở với nội dung đa dạng, phong phú…

Tại các địa phương, việc biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu trong công tác hòa giải ở cơ sở cũng được quan tâm thực hiện, với tổng trên 102.000 tài liệu, trong đó, nhiều tài liệu được biên dịch sang tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ công tác hòa giải tại địa phương.

Tổ hòa giải khu phố 7, phường Hà Khẩu trò chuyện, nắm bắt tình hình trong nhân dân sau khi hòa giải xong mâu thuẫn.

Tổ hòa giải khu phố 7, phường Hà Khẩu trò chuyện, nắm bắt tình hình trong nhân dân sau khi hòa giải xong mâu thuẫn.

Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 12 hội nghị tập huấn cho 1.368 hòa giải viên ở cơ sở. Các địa phương cũng chủ động mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ và hòa giải viên. Đến nay, gần 82% hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn nghiệp vụ, một số địa phương đã hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng cho 100% hòa giải viên ở cơ sơ như Hải Hà, Uông Bí, Cô Tô, Bình Liêu, Vân Đồn.

Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh có 1.469 tổ hòa giải/1.452 thôn, bản, khu phố với 9.138 hòa giải viên, trong đó có 3.538 hòa giải viên nữ; 1.835 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Để phù hợp với tình hình thực tế, một số thôn, bản, khu phố (Ba Chẽ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Uông Bí) thành lập 2 tổ hòa giải cùng hoạt động.

Đa số hòa giải viên ở cơ sở đều là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các tổ chức đoàn thể. Các hòa giải viên được bầu là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán ở địa phương, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác, được bầu chọn công khai, dân chủ.

Với việc chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và nhiều giải pháp hiệu quả khác, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nét qua số vụ việc hòa giải không thành có chiều hướng giảm dần qua từng năm, tỷ lệ hòa giải thành qua các năm luôn đạt trên 80%, qua đó góp phần gìn giữ đoàn kết trong khu dân cư, nâng cao ý thức người dân trong chấp hành, thực thi pháp luật.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Để lại một bình luận