(Nghị định 54/2024/NĐ-CP) Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. 

Theo đó, tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (Khoản 1, Điều 31, Nghị định 54).

– Người đứng đầu tổ chức hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề (sau đây gọi chung là người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật) phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ: Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên; Trường hợp không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì đã trực tiếp thi công ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất (Điểm a, Khoản 2, Điều 31, Nghị định 54);

+ Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa: Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan. Đồng thời, đã trực tiếp tham gia lập tối thiểu 01 đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m³/ngày đêm trở lên (Điểm b, Khoản 2, Điều 31, Nghị định 54);

+ Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn: Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan. Đồng thời, đã trực tiếp tham gia lập tối thiểu 3 đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên (Điểm c, Khoản 2, Điều 31, Nghị định 54).

Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của Nhân dân trên địa bàn phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:

– Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối, kênh, mương, rạch;

– Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch khác quy định như trên với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;

– Công trình khai thác nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có quy mô khai thác từ 10 m3/giây trở lên cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; từ 300.000 m3/ngày đêm trở lên cho mục đích sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình;

– Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô khai thác nước từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

File đính kèm

Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.pdf

Nghị định 54-2024 khoan nước, tiếp cấp phép khai thác TN nước

Trả lời