(Quyết định số 1495/QĐ-KTNN) Về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước

Ngày 20/8/2024, Tổng kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định số 1495/QĐ-KTNN về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước. Theo đó Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước (sau đây gọi là Đoàn kiểm toán) quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, mối quan hệ công tác, lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Quyết định số 1495/QĐ-KTNN quy định thành phần Đoàn kiểm toán gồm:

– Trưởng Đoàn kiểm toán;

– Các Phó trưởng Đoàn kiểm toán;

– Các Tổ trưởng Tổ kiểm toán, nếu Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán;

– Các thành viên.

Thành viên Đoàn kiểm toán gồm: thành viên là Kiểm toán viên nhà nước và thành viên không phải Kiểm toán viên nhà nước. Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước gồm:

– Công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước;

– Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

Mỗi Tổ kiểm toán phải có từ 02 thành viên là Kiểm toán viên nhà nước trở lên. Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

– Có đủ trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm công tác phù hợp với nhiệm vụ được giao;

– Là Kiểm toán viên chính giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên hoặc Kiểm toán viên giữ chức vụ từ Trưởng phòng trở lên.

Đối với Tổ trưởng Tổ kiểm toán:

– Có đủ trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm công tác phù hợp với nhiệm vụ được giao;

-Là Kiểm toán viên chính hoặc Kiểm toán viên giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên.

Ngoài ra, Quyết định số 1495/QĐ-KTNN cũng quy định các trường hợp không được bố trí tham gia Đoàn kiểm toán bao gồm:

– Mua cổ phần, góp vốn hoặc có quyền, lợi ích liên quan với đơn vị được kiểm toán;

– Đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán của các năm tài chính được kiểm toán;

– Trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán;

– Có quan hệ là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật với đơn vị được kiểm toán hoặc cùng là thành viên Đoàn kiểm toán;

– Đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật, bị kỷ luật hoặc bị mất, bị thu hồi thẻ Kiểm toán viên nhà nước;

– Không đủ điều kiện phẩm chất, năng lực tham gia Đoàn kiểm toán;

– Không đủ thời gian làm việc quy định tại khoản 1 Điều 21 Quy chế này.

Khi có các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thành viên Đoàn kiểm toán có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán bằng văn bản trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán nếu phát hiện các tình huống làm ảnh hưởng đến tính độc lập của mình, thành viên Đoàn kiểm toán phải báo cáo ngay Trưởng Đoàn kiểm toán để báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thay thế theo quy định tại Điều 17 Quy chế này.

Thủ trưởng đơn vị đề xuất nhân sự tham gia Đoàn kiểm toán có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán quy định tại khoản 1 Điều này trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán. Trường hợp đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

Quyết định số 1495/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày 20/8/224.

File đính kèm:

Quyết định số 1495/QĐ-KTNN về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước.pdf

Bài viết lên quan

Để lại một bình luận