Việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ chiều 17/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng, là đòn bẩy phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp chính quyền gần dân nhất trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, từ đó, xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa “thượng tôn pháp luật” trong xã hội, xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở.Để triển khai có hiệu quả Quyết định này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp chủ trì và các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện, trong đó đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội giám sát việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đặc biệt là vai trò của UBND các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện tại địa phương, phân công cơ quan chuyên môn làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận không đúng quy định.
“Ở đây có trách nhiệm rất lớn của sở tư pháp các địa phương trong việc tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác này tại địa phương. Muốn vậy, sở tư pháp cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị để thống nhất nhận thức và hành động thực tiễn. Đồng thời, xác định rõ người có thẩm quyền ở cấp xã trong triển khai thực hiện. Có như vậy mới xử lý triệt để câu chuyện ‘trên nóng, dưới lạnh’. Mà ví dụ cụ thể là việc không để dân đói do ảnh hưởng dịch COVID-19, thì việc thực hiện này bộ, ngành không làm được, chỉ cấp xã, phường, thị trấn mới biết rõ chỗ nào dân đói mà triển khai thực hiện ngay chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nguyễn Thanh Tịnh phân tích.
Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cần thúc đẩy thực hiện pháp luật ở cơ sở với chuẩn tiếp cận pháp luật để dân được hưởng thụ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó nhân dân có cuộc sống tốt hơn về vật chất và tinh thần, an ninh trật tự được giữ gìn, an sinh được chăm lo, các giải pháp của Đảng và Nhà nước đến được với người dân thông qua chính quyền cấp xã, phường, thị trấn.
Nhận thức được điều này chính là nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, hiện thực hóa phương châm hành động quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
“Việc ban hành Quyết định số 25 có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa phương châm ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng’ tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Bộ Tư pháp sẽ xây dựng phần mềm đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và dự kiến đưa vào ứng dụng, vận hành trong cả nước từ năm 2023 nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý, theo dõi và thực hiện quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường hơn công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó có các giải pháp thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật, đưa công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở cơ sở.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25, Bộ Tư pháp đã và đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là sớm ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Quyết định, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Dự kiến, Thông tư sẽ được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm hiệu lực của Quyết định số 25, từ ngày 1/1/2022.
Báo điện tử Chính phủ
File đính kèm:
Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.pdf
Bài viết lên quan