Một số chính sách mới có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 03/2024

1. Nghị định số 06/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa:

Ngày 25/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Theo đó, trước khi đưa công trình cảng, bến thủy nội địa vào khai thác, chủ cảng, bến thủy nội địa nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc gửi qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng các hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố hoạt động theo quy định như sau:

+ Đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài: Nộp hồ sơ đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với cảng thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, cảng thủy nội địa có vùng nước, vùng đất vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên đường thủy nội địa địa phương, cảng thủy nội địa trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia), Sở Giao thông vận tải (đối với cảng thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, cảng thủy nội địa trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để thẩm định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố hoạt động cảng thủy nội địa.

+ Đối với cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài: Nộp hồ sơ đến Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (đối với cảng thủy nội địa thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định này) hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với cảng thủy nội địa thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định này). Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố hoạt động cảng thủy nội địa.

+ Đối với bến thủy nội địa: Nộp hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định công bố hoạt động bến thủy nội địa.

+ Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến, thành phần hồ sơ là bản chính hoặc bản sao điện tử các thành phần hồ sơ tương ứng theo quy định tại khoản 2 (đối với hồ sơ đề nghị công bố hoạt động cảng thuỷ nội địa) hoặc khoản 3 (đối với hồ sơ đề nghị công bố hoạt động bến thuỷ nội địa) Điều 18 Nghị định này.

+ Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ; trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng các hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản tổ chức, cá nhân qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng các hình thức phù hợp khác, nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Ngoài ra, đối với hình thức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến qua Cổng dịch vụ công thực hiện từ ngày 01/01/2025.

Nghị định 06/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2024.

2. Thông tư số 06/2024/TT-BQP của Bộ Quốc phòng: Hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng

Ngày 24/01/2024, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng. Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng.

Đối tượng áp dụng Thông tư 06/2024/TT-BQP bao gồm:

(1) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (gọi tắt là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh), hoặc được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh (gọi tắt là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

(2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (trừ doanh nghiệp nêu tại điểm (1)) do Bộ Quốc phòng thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh (gọi tắt là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).

(3) Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nêu tại điểm (2) (gọi tắt là Người đại diện phần vốn nhà nước).

(4) Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư 06/2024/TT-

BQP.

Theo đó, chế độ báo cáo định kỳ gồm: báo cáo quý, 6 tháng, năm, giữa kỳ và kỳ kế hoạch 5 năm, cụ thể:

– Doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện báo cáo định kỳ theo chế độ, mẫu biểu quy định tại Mục 1 Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư.

– Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Người đại diện phần vốn Nhà nước thực hiện báo cáo định kỳ theo chế độ, mẫu biểu quy định tại Mục 2 Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư.

– Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con lập, trình bày báo cáo phải tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành của cả tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ – công ty con.

– Chế độ báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và Người đại diện phần vốn Nhà nước thực hiện chế độ báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Nội dung (biểu mẫu), thời hạn báo cáo căn cứ vào yêu cầu cụ thể của cơ quan, đơn vị ban hành chế độ báo cáo.

Thông tư 06/2024/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2024.

3. Thông tư số 26/2023/TT-BYT về việc hướng dẫn quản lý thuốc methadone:

Ngày 29/12/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 26/2023/TT-BYT về việc hướng dẫn quản lý thuốc methadone. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý thuốc methadone bao gồm: giao, nhận methadone, kê đơn, cấp phát thuốc methadone; quản lý hồ sơ, sổ theo dõi và báo cáo thuốc methadone trong hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Việc quản lý thuốc methadone phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 26/2023/TT-BYT và các quy định của pháp luật về quản lý thuốc gây nghiện, trong đó:

– Việc bảo quản thuốc methadone tại cơ sở điều trị thay thế và cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế (viết tắt là cơ sở cấp phát thuốc) thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 20/2017/TT-BYT.

– Việc hủy thuốc methadone và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc methadone thực hiện theo quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP.

Thông tư 26/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

4. Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt

Ngày 26/01/2024, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Thông tư này quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với thiết bị sử dụng trên phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt trong kiểm tra sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải, định kỳ để vận hành trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, 2 đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia có đi qua khu dân cư, giao cắt với đường bộ.

Thông tư này không áp dụng đối với thiết bị sử dụng trên phương tiện giao thông đường sắt được lắp trên phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu nguyên chiếc. Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải, sửa chữa định kỳ và khai thác thiết bị sử dụng trên phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt vận hành trên các hệ thống đường sắt và các tổ chức liên quan đến quản lý, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với thiết bị sử dụng trên phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt

Theo đó, quy định các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm:

(1) Kiểm tra sản xuất, lắp ráp

– Kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với: thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới.

– Điều kiện kiểm tra: cơ sở sản xuất phải chuẩn bị thiết bị, phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

– Nội dung kiểm tra: thực hiện theo những nội dung thuộc phạm vi của Cơ quan kiểm tra được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại thiết bị, phương tiện. Đối với thiết bị tín hiệu đuôi tàu, nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

– Phương thức kiểm tra

+ Kiểm tra từng thiết bị, phương tiện;

+ Đối với toa xe đường sắt đô thị, kiểm tra toa xe ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu theo cấu hình khai thác;

+ Đối với bộ trục bánh xe, kiểm tra mẫu điển hình ngẫu nhiên cho từng lô bộ trục bánh xe.

(2) Kiểm tra nhập khẩu

– Kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với: thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới; phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng.

– Điều kiện kiểm tra: doanh nghiệp nhập khẩu phải chuẩn bị thiết bị, phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

– Nội dung kiểm tra: thực hiện theo những nội dung thuộc phạm vi của Cơ quan kiểm tra được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại thiết bị, phương tiện. Đối với thiết bị tín hiệu đuôi tàu, nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

– Phương thức kiểm tra

+ Kiểm tra từng thiết bị, phương tiện;

+ Đối với toa xe đường sắt đô thị, kiểm tra toa xe ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu theo cấu hình khai thác;

+ Đối với bộ trục bánh xe, kiểm tra mẫu điển hình ngẫu nhiên cho từng lô bộ trục bánh xe.

(3) Kiểm tra hoán cải

– Kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng có thay đổi các nội dung sau:

+ Bội suất hãm, kiểu loại xy lanh hãm của phương tiện; các bộ phận chịu lực chính của kết cấu thép thân phương tiện gồm: xà đầu, xà kéo, xà gối, xà dọc giữa, xà ngang chính, xà dọc cạnh (trừ trường hợp gia cường để tăng độ cứng vững) khác với thiết kế ban đầu hoặc hồ sơ kiểm tra hoán cải gần nhất;

+ Tính năng, mục đích sử dụng của phương tiện dẫn tới việc phải thay đổi cách bố trí, lắp đặt trang thiết bị của phương tiện khác với lần đăng kiểm gần nhất;

+ Kiểu loại của động cơ diesel (đầu máy), động cơ điện kéo, máy phát điện chính (đầu máy), máy nén khí, bộ truyền động thủy lực, giá chuyển hướng, bộ móc nối đỡ đấm, van phân phối, van hãm lắp trên phương tiện khác với lần đăng kiểm gần nhất.

– Điều kiện kiểm tra: cơ sở sửa chữa phải chuẩn bị phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với nội dung hoán cải của từng loại phương tiện.

– Nội dung kiểm tra: kiểm tra nội dung hoán cải của phương tiện so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

– Phương thức kiểm tra: kiểm tra từng phương tiện.

(4) Kiểm tra định kỳ

– Kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với: phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị; thiết bị tín hiệu đuôi tàu.

– iều kiện kiểm tra: cơ sở sửa chữa, chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện phải chuẩn bị thiết bị, phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

– Nội dung kiểm tra: thực hiện theo những nội dung thuộc phạm vi của Cơ quan kiểm tra được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại phương tiện. Đối với thiết bị tín hiệu đuôi tàu, nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

– Phương thức kiểm tra

+ Kiểm tra từng thiết bị, phương tiện;

+ Đối với toa xe đường sắt đô thị, kiểm tra toa xe ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu theo cấu hình khai thác.

– Chu kỳ kiểm tra định kỳ

+ Chu kỳ kiểm tra định kỳ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT;

+ Đối với đầu máy, toa xe chạy trên đường sắt quốc gia, việc kiểm tra được thực hiện cùng thời điểm phương tiện được sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ.

Thông tư 01/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

5. Thông tư số 06/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan:

Ngày 29/01/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Theo đó, người khai hải quan được phân loại mức độ rủi ro theo một trong những hạng sau:

– Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 06/2024/TT-BTC.

– Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp.

– Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp.

– Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình.

– Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao.

– Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao.

– Hạng 7: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và chưa từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt.

– Hạng 8: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan hải và lĩnh vực khác do cơ quan quan xử phạt, trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9.

– Hạng 9: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý vi phạm thuộc một trong các hành vi quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BTC.

Ngoài ra, căn cứ các quy định của pháp luật quản lý thuế, pháp luật thuế và mức độ rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan phân loại hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế, áp dụng biện pháp quản lý và thông báo trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan như sau:
– Rủi ro cao: Kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
– Rủi ro trung bình: Hoàn thuế trước, kiểm tra sau và thực hiện kiểm tra trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019.
– Rủi ro thấp: Hoàn thuế trước, kiểm tra sau và thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/3/2024.

Thông tư 06/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

File đính kèm:

Thông tư số 06/2024/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng.pdf

Nghị định số 06/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.pdf

Thông tư số 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.pdf

Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.pdf

Thông tư số 26/2023/TT-BYT về việc hướng dẫn quản lý thuốc methadone.pdf

Trả lời