Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa giả định trong trường học

Nhằm mục đích đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục mà mỗi học sinh tham gia là một thành phần trong đó, phiên tòa giả định được tổ chức trong các trường học đã mạng lại nhiều hiệu quả tích cực. Thông qua các phiên tòa này đã tạo hiệu ứng tốt, giúp các em học sinh hình thành thói quen sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Phiên tòa giả định với chuyên đề “Tuyên truyền pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông” vừa được tổ chức sáng ngày 28/2 tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Yên Hưng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh và chính các em học sinh.

Dù là một phiên tòa giả định nhưng có đầy đủ các thành phần với sự tham gia, hỗ trợ của Tòa án nhân dân thị xã và Phòng Tư pháp thị xã. Đã có hơn 900 đoàn viên thanh niên, học sinh và các thầy, cô giáo dự và được thông tin nhanh tình trạng vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua. Có nhiều vụ việc tai nạn thương tâm đã xảy ra, trong đó người bị tổn hại bao gồm cả những em học sinh.

Các đại biểu, cán bộ giáo viên và hơn 900 học sinh trường Tiểu học-THCS-THPT Yên Hưng tham dự phiên tòa giả định.

Các đại biểu, cán bộ giáo viên và hơn 900 học sinh trường Tiểu học, THCS & THPT Yên Hưng

tham dự phiên tòa giả định.

Dự phiên tòa giả định, em Lưu Thị Nguyệt Viên, học sinh lớp 12A1, trường Tiểu học, THCS & THPT Yên Hưng chia sẻ: “Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật mới, để cho chúng em có thể hiểu thêm về quy định pháp luật, từ đó chúng em sẽ nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Bản thân em cũng có vài lần vi phạm Luật giao thông, kể cả các bậc phụ huynh đôi khi biết mà vẫn cố tình vi phạm. Nhưng từ phiên tòa giả định này thực sự đã giúp chúng em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ những hậu quả và hình phạt đối với người phạm luật, từ đó  em sẽ tuân thủ tốt hơn quy định khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho bản thân mình và những người xung quanh”.

Các em học sinh trường Tiểu học- THCS & THPT Yên Hưng vào vai bị cáo, bị hại, người liên quan trong phiên tòa giả định.

Các em học sinh trường Tiểu học, THCS & THPT Yên Hưng vào vai bị cáo, bị hại, người liên quan

trong phiên tòa giả định.

Phiên tòa xét xử giả định dựa trên các tình tiết vụ án có thật… Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức cũng đã đan xen thực hiện giao lưu với học sinh qua phần hỏi đáp với nhiều câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Với mỗi câu trả lời đúng, các em học sinh sẽ được nhận những phần quà khích lệ, động viên. Điều này giúp các em học sinh vận động tư duy, có kỹ năng nhận biết các vấn đề trong cuộc sống và kiến thức về pháp luật.

Học sinh hào hứng khi trả lời đúng các câu hỏi về pháp luật do ban tổ chức đưa ra và nhận các phần quà.

Học sinh hào hứng khi trả lời đúng các câu hỏi về pháp luật do ban tổ chức đưa ra và nhận các phần quà.

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS & THPT Yên Hưng cho biết thêm: “Mặc dù nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh nhưng trên thực tế vẫn có trường hợp học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông và có những phụ huynh vẫn giao xe phân khối lớn cho con. Xuất phát từ thực tế này, Ban giám hiệu nhà trường cũng thấy cần phải có sự thay đổi trong phương pháp, hình thức tuyên truyền để đi vào thực chất và nâng cao hiệu quả hơn nữa. Phiên tòa giả định được tổ chức tại nhà trường có sự phối hợp giữa nhà trường – Phòng Tư pháp – Tòa án nhân dân thị xã, tôi thấy đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với các em học sinh, bởi vì thông qua phiên tòa các em biết được người vi phạm pháp luật sẽ phải chịu các mức án phạt như thế nào, nắm bắt được tình huống có thể nảy sinh từ thực tế và thông qua đó các em sẽ hình thành thêm những kỹ năng để ứng xử, thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông xảy ra”.

Với mỗi phiên tòa giả định được tổ chức, lại có các tình tiết, nội dung tuyên truyền khác nhau, mục đích chung của các phiên tòa này để giúp các em học sinh tiếp thu nhanh chóng các quy định và hiểu rõ hậu quả khi vi phạm pháp luật.

Phiên tòa giả định gồm đầy đủ thành phần và được tổ chức theo đúng trình tự giống như phiên tòa thực tế.

Phiên tòa giả định gồm đầy đủ thành phần và được tổ chức theo đúng trình tự giống như phiên tòa thực tế.

Được dự phiên tòa giả định xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” em học Vũ Hồng Đức, lớp 10B1, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên TX chia sẻ: “Em đã từng hút thuốc lá và nếu hút lâu dài thì sẽ bị nghiện. Nhưng em đã cố gắng bỏ thuốc khi có sự động viên của bố mẹ và các bạn. Khi xem phiên tòa giả định xử án ma túy, em rất muốn khuyên các bạn không nên hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, không sử dụng ma túy, không hành hung đánh người gây thương tích vì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Em muốn bản thân em, cùng các bạn sẽ học tập thật tốt để sau này trở thành công dân gương mẫu, có ích cho xã hội”.

Phiên tòa giả định là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật mới cho các em học sinh ở TX Quảng Yên. Qua đó giúp các em học sinh hiểu hơn về các quy định pháp luật, quyền lợi của trẻ em, nhận thức về tác hại của ma túy, thuốc lá điện tử, vi phạm luật giao thông…. , đồng thời cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội, để biết cách tự bảo vệ bản thân, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Trả lời