(Nghị định 76/2023/NĐ-CP) Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình

Ngày 01/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 2 Điều 3; khoản 1 Điều 12; khoản 3 Điều 19; khoản 5 Điều 20; khoản 2 Điều 22; khoản 8 Điều 25; khoản 2 Điều 30; khoản 3 Điều 39; khoản 5 Điều 40; khoản 3 Điều 42 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý sau:

1. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam:

Nghị định nêu rõ, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; chăm sóc, điều trị; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện tương tự như áp dụng đối với người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình bị áp dụng các biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo quy định tại các điểm a, b, c, g, h và i khoản 1 Điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chi trả chi phí: Thuê phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại, thuê luật sư, thuê người bảo vệ và các chi phí theo quy định cho người bị bạo lực gia đình. Việc chi trả theo quy định của pháp luật về tài chính; trường hợp pháp luật về tài chính chưa quy định thì thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế. Việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện tương tự như áp dụng đối với người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình hoặc bị bạo lực gia đình có quyền mời đại diện cơ quan, tổ chức mình đang làm việc hoặc người đại diện theo pháp luật cho mình tham gia quá trình thực hiện biện pháp nêu trên.

Người có thẩm quyền quyết định biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện biện pháp đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo quy định nêu trên

2. Các hành vi bạo lục gia đình trong một số trường hợp cụ thể như sau:

(1) Hành vi bạo lực gia đình áp dụng giữa người đã ly hôn

– Hành vi quy định tại các điểm a, b, c và k khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

– Cưỡng ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

– Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

– Ngăn cản gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau.

– Cản trở kết hôn.

(2) Hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người chung sống như vợ chồng

– Hành vi quy định tại các điểm a, b, c, k và m khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

– Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn.

– Cô lập, giam cầm.

– Cưỡng ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

– Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực.

– Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

– Ngăn cản gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau.

– Bỏ mặc, không quan tâm.

– Cưỡng ép, cản trở kết hôn.

– Cưỡng ép học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần.

(3) Hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng

– Hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

– Ngăn cản gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau.

(4) Hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi

– Hành vi quy định tại các điểm a, b, c và k khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

– Cưỡng ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

– Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cả nhân và bí mật gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

3. Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình:

Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.

Tổng đài có nhiệm vụ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân; hướng dẫn người bị bạo lực gia đình tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để được bảo vệ, hỗ trợ; chuyển tin báo, tố giác tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; cung cấp thông tin khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, người trực tiếp báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin, dữ liệu; thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật.

Nghị định 76/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.

File đính kèm:

Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình.pdf

Trả lời