(Phỏng vấn) Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.Nhận thức được vai trò, ý nghĩa đó, thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đã trao đổi một số nội dung về công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.

 

PV: Thưa đồng chí, đồng chí có thể cho biết khái quát về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa:

Với mục tiêu, phương châm thực hiện là “Đưa pháp luật đến tận người dân ở cơ sở”, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền triển khai các hoạt động PBGDPL gắn với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, hàng năm, khi có chỉ đạo của Trung ương và theo tình hình thực tế của tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch triển khai các Đề án PBGDPL, trong đó đã xác định cụ thể các hoạt động, thời gian, hình thức thực hiện, văn bản tập trung tuyên truyền và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và từng thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL. Qua triển khai thực hiện, nhìn chung, các văn bản được ban hành thường xuyên và kịp thời hơn, đã chú trọng bám sát mục tiêu, yêu cầu, mục đích phổ biến pháp luật và gắn công tác PBGDPL với nhiệm vụ chính trị cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc điểm của đối tượng và đặc thù của địa bàn.

Kế hoạch hoạt động của Hội đồng PHPBGDPL tỉnh Quảng Ninh năm 2022

Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL được Sở Tư pháp quan tâm thực hiện, xác định chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ làm công tác PBGDPL, hàng năm và tùy vào tình hình thực tế, Sở đã tham mưu UBND tỉnh củng cố kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, hiện nay Hội đồng tỉnh có 42 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Đối với các Hội đồng Phối hợp cấp huyện hiện nay cơ bản được kiện toàn, mỗi Hội đồng có từ 35 – 40 thành viên. Đội ngũ làm công tác PBGDPL của tỉnh có sự tham gia của 171 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 386 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.420 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức, trợ giúp viên pháp lý; các luật sư, luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên, giảng viên, giáo viên, phóng viên, biên tập viên tại các báo, đài ở địa phương; và 9.160 hòa giải viên ở cơ sở.

PV: Thời gian qua, để có thể đưa pháp luật đến tận người dân ở cơ sở, tỉnh đã có những hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa:

Không chỉ chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương, tỉnh đã chú trọng phổ biến những văn bản quan trọng của địa phương, từ văn bản của Tỉnh ủy đến các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Điều này cho thấy, từ việc tổ chức đa dạng hình thức phổ biến pháp luật đến cộng đồng và những thay đổi cách tiếp cận đã giúp Nhân dân tăng cường biện pháp nhận thức pháp luật, tạo thói quen quan tâm học tập, tìm hiểu pháp luật, đã tạo điều kiện thuận lợi đưa những chính sách của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nhiều mô hình hay, cách làm hay được phát huy có hiệu quả, đối với đối tượng là người dân, doanh nghiệp đã chọn hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp – đây là hình thức được sử dụng thường xuyên gắn với nhiều hình thức phổ biến khác và là một bộ phận không thể thiếu, không thể tách rời trong tổng thể các hình thức PBGDPL. Trong 05 năm đã tổ chức hơn 36.669 cuộc hội nghị do các ngành, các cấp thực hiện phổ biến cho hơn 3.797.001 lượt người, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân, kể cả các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù. Đây là hình thức truyền thống nhưng luôn được phát huy tác dụng; đồng thời, lồng ghép với cách thức thực hiện mới là kết hợp với đối thoại pháp luật, tư vấn pháp luật mà Sở Tư pháp, Cục Thuế, Công an tỉnh Quảng Ninh thực hiện cũng là hình thức phổ biến pháp luật được đón nhận và phát huy hiệu quả tích cực.

Đồng chí Vũ Viết Quỳnh – Trưởng phòng Tổng hợp & Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) phổ biến

pháp luật về phòng, chống tội phạm tại thành phố Móng Cái

PV: Trong thời đại công nghệ 4.0, tỉnh có những đổi mới gì về công tác PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet ?

Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa:

Nhận thức được lợi thế của hình thức này trong giai đoạn hiện nay là phổ cập, nhanh chóng, kịp thời, rộng khắp, hấp dẫn và có đông đảo bạn đọc, khán thính giả, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Tư pháp đã đẩy mạnh triển khai công tác PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL, ưu tiên hình thức trực tuyến để tư vấn, giải đáp pháp luật trên Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo…hiện nay Sở Tư pháp đang vận hành, quản lý, cập nhật thông tin lên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ninh để thực hiện PBGDPL.

Sở Tư pháp phối hợp tổ chức chương trình phổ biến pháp luật và kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội cho học sinh.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện đều có Trang/Cổng thông tin điện tử, các cơ quan đã thường xuyên và kịp thời đăng các tin, bài viết giới thiệu các văn bản pháp luật mới, cần thiết để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân truy cập, nghiên cứu, tìm hiểu. Hệ thống loa truyền thanh được quan tâm đầu tư và được đặt ngay tại cơ sở, giúp người dân hàng ngày được nghe thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương.

PV: Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai những phương thức nào để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật?

Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa:

Trong 5 năm, tài liệu pháp luật được biên soạn, phát hành đa dạng hơn nhiều so với trước đây, hàng năm ngoài chương trình do Trung ương biên soạn, cấp phát, Sở Tư pháp chủ trì biên soạn và phát hành trên 48.500 tờ gấp pháp luật, sổ tay pháp luật và phát hành 5.269.508 tài liệu tìm hiểu pháp luật. Các tài liệu mang tính trực quan như pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, khẩu hiệu, tờ tin ảnh, băng-rôn về chủ đề pháp luật được sử dụng khá nhiều, phổ biến hơn cả là trong thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, Ngày Pháp luật Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11

Ngoài ra, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật diễn ra sôi nổi và ngày càng được đổi mới về cách thức tổ chức. Trong các hình thức PBGDPL, thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền, PBGDPL hấp dẫn, có hiệu quả cao. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 977 cuộc thi và hội thi lớn nhỏ về tìm hiểu pháp luật. Ngoài ra, các cuộc thi trực tuyến trên mạng được các cơ quan, đơn vị tổ chức trong thời gian qua đã tạo ra sân chơi lành mạnh, hữu ích, tìm hiểu pháp luật trong Nhân dân.

Tuyên truyền pháp luật về An toàn giao thông qua chương trình ngoại khóa “An toàn giao thông cho ngày mai” tổ chức tại trường THCS Trần Hưng Đạo, Đông Triều

Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai PBGDPL thông qua công tác trợ giúp pháp lý và hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình ở cơ sở…

PV: Với sự chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động PBGDPL đã tạo động lực như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa:

Với phương châm hướng về cơ sở và qua nhiều năm thực hiện, Sở Tư pháp thấy rằng, nhiều hình thức, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác PBGDPL, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân. Người dân và doanh nghiệp cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính được tinh gọn, minh bạch, thuận lợi, qua đó góp phần giảm các chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp, việc tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng tốt hơn, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên địa bàn tỉnh giảm.

Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh phát triển kinh tế – xã hội nào thì công tác PBGDPL cũng đóng vai trò quan trọng vì đó là khâu đầu tiên đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Nghị quyết của Đảng đã xác định “PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng…cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác này để góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân”. Nói một cách khái quát thì công tác PBGDPL chính là tạo cơ sở, điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội.

Công tác PBGDPL có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực thi, tuân thủ pháp luật. Chính vì vậy, trong thời gian tới các ngành, các cấp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch về PBGDPL, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Hải 

Trả lời