(Quyết định 101/QĐ-TTg) Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030

Ngày 25/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030. Để bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh. Chương trình hành động đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, đơn cử như:

1. Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình, an ninh; trong khắc phục hậu quả chiến tranh và phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.

a) Duy trì và cập nhật các chỉ tiêu phù hợp để đảm bảo bình đẳng giới trong tuyển dụng, trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt nhân sự vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực liên quan đến hòa bình, an ninh, phù hợp với các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

b) Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện chế độ, chính sách đối với phụ nữ trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, phù hợp với đặc điểm, thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

c) Đánh giá việc thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025 và các đề án, chiến lược, chính sách, pháp luật liên quan trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống;

d) Rà soát và nghiên cứu hoàn thiện các hướng dẫn, cơ chế chính sách về lồng ghép giới, đáp ứng các nhu cầu cụ thể của phụ nữ, trẻ em gái bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong các khuôn khổ hiện hành về khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.

2. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đáp ứng nhu cầu cụ thể và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống:

a) Phát triển và nhân rộng các chương trình, mô hình nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;

b) Rà soát, xác định một số mô hình, thực tiễn tiêu biểu về sự tham gia trực tiếp của phụ nữ trong cứu trợ và phục hồi trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống để phát triển, nhân rộng;

c) Khuyến khích, hỗ trợ các sáng kiến về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong quá trình phục hồi trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống;

d) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, bao gồm trên nền tảng số, trong đó tập trung tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh;

đ) Đổi mới và triển khai các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng dành riêng cho phụ nữ trong quản lý rủi ro, phòng ngừa và ứng phó với các nguy cơ bạo lực, phục hồi và giải quyết các tác động tiêu cực của hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống;

e) Nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ, trẻ em gái trong ứng phó với các thách thức trên không gian mạng; xây dựng và nhân rộng mô hình và cách làm tốt về hỗ trợ phụ nữ ứng phó với thách thức trên không gian mạng;

g) Tập trung nguồn lực thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn.

3. Nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế:

a) Xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ sĩ quan, nữ cán bộ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc;

b) Đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chính sách, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ trong lĩnh vực quốc phòng, hòa bình, an ninh;

c) Cử và tiến cử phụ nữ tham gia các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, các tiến trình thương lượng, trung gian, hòa giải, các cơ chế trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, ứng cử vào các vị trí tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt các vị trí trong lĩnh vực hòa bình, an ninh;

d) Xây dựng, triển khai các chương trình thúc đẩy cán bộ nữ tham gia các hội nghị, tiến trình khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực về ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.

4. Tích cực thúc đẩy và tham gia các sáng kiến, giải pháp trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương về Phụ nữ, hòa bình và an ninh:

a) Lồng ghép, thúc đẩy một cách có hệ thống các nội dung về phụ nữ, hòa bình và an ninh, vấn đề bình đẳng giới trong các khuôn khổ hợp tác song phương và tại các diễn đàn đa phương mà Việt Nam là thành viên, nhất là Liên hợp quốc và ASEAN;

b) Nghiên cứu khả năng đăng cai tổ chức các hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình và an ninh, tham gia các hoạt động quốc tế kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh (2000 – 2030).

5. Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ hòa bình, an ninh.

Quyết định 101/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 25/01/2024.

File đính kèm:

Quyết định 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030.pdf

Trả lời