Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Có thể thấy rõ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Quảng Ninh trong những năm qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm với nhiều cách làm đa dạng, phù hợp đặc điểm tình hình vùng miền, đối tượng; từ đó góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Gắn với đặc thù ngành, địa phương

Trong 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, Quảng Ninh có tới 82 xã, phường, thị trấn biên giới, hải đảo. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển đảo của Tổ quốc, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo của tỉnh.

Cán bộ biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền Luật Biên phòng cho cán bộ và người dân xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) vào tháng 5-2022. Ảnh: Nguyễn Chiến

Cán bộ biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền Luật Biên phòng cho người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (tháng 5/2022). Ảnh: Nguyễn Chiến

Bên cạnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật, CLB tại địa phương biên giới, hải đảo; trang bị tủ sách và trên 10.000 đầu sách về pháp luật tại các xã, phường, thị trấn biên giới, hải đảo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn thành lập 17 tổ tư vấn chính trị pháp luật, củng cố, kiện toàn 5 CLB tuổi trẻ pháp luật để thường xuyên đưa kiến thức pháp luật đến cư dân biên giới. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn ổn định.

Về phía Sở GD&ĐT cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với đặc thù của ngành. Với 406 trường từ cấp tiểu học đến THPT và 14 trung tâm giáo dục thường xuyên, ngành đã triển khai, xây dựng nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường học như: “CLB phòng, chống tội phạm”, “Đội tuyên truyền ATGT trong lớp học”, “Hỗ trợ học sinh tham gia giao thông an toàn”, “Cổng trường xanh – sạch – đẹp và ATGT”, “Sử dụng mạng xã hội an toàn cho HSSV”… Mỗi năm, Sở GD&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành, lực lượng trên địa bàn tổ chức gần 40 buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho giáo viên, học sinh dưới hình thức hội thi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ…

Còn Quảng Yên, nơi có khối lượng GPMB lớn, đặt ra nhiều vấn đề về xã hội như: Chuyển đổi nghề cho người bị thu hồi đất, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội; giải quyết đơn thư… thị xã xác định trọng tâm cần tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào những nội dung liên quan đến vấn đề người dân, dư luận xã hội quan tâm, cần định hướng. Hình thức tuyên truyền chủ yếu qua hội nghị, hệ thống loa phát thanh cơ sở, sân khấu hóa, tuyên truyền trực tiếp… Mỗi năm, thị xã tổ chức gần 130 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Lãnh đạo, cán bộ xã Cái Chiên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thôn Vạn Cả cập nhật kiến thức pháp luật trên Trang Thông tin tuyên truyền PBGDPL tỉnh Quảng Ninh.

Lãnh đạo, cán bộ xã Cái Chiên, huyện Hải Hà (bên trái) tuyên truyền cho người dân thôn Vạn Cả tìm hiểu các văn bản pháp luật trên trang thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.

Không chỉ các đơn vị, địa phương nói trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật những năm qua luôn được các cấp, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh tăng cường thực hiện.

Sinh động, hiệu quả, thiết thực

Theo đánh giá của Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh), nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm của từng sở, ban, ngành, đoàn thể; nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Nội dung tập trung vào các văn bản luật mới ban hành, dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội, các quy định liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, như phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu, đối thoại chính sách, tập huấn, nói chuyện chuyên đề. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức gần 3.700 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, thu hút gần 38.000 người tham dự.

Hải đội 2, BĐBP Quảng Ninh phối hợp với Đoàn Trinh sát số 1 Cảnh sát Biển tổ chức tuyên truyền về Luật phòng, chống ma túy cho nhân dân, ngư dân ven biển thành phố Hạ Long vào 25/6/2023. Ảnh: Nguyễn Chiến

Hải đội 2 (BĐBP tỉnh) phối hợp với Đoàn Trinh sát số 1 Cảnh sát biển tổ chức tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy cho nhân dân, ngư dân ven biển TP Hạ Long (tháng 6/2022). Ảnh: Nguyễn Chiến

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin, trang thông tin điện tử thành phần được các ngành, địa phương tăng cường. Từ năm 2021, trang thông tin tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ninh được xây dựng, đi vào hoạt động, đến nay đã cập nhật hơn 600 tin, bài; thu hút hơn 400.000 lượt người truy cập, giúp người dân cập nhật kiến thức pháp luật mới và những chính sách liên quan một cách kịp thời.

Đặc biệt, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở được tăng cường triển khai, góp phần không nhỏ trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Mỗi năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh thực hiện hơn 500 vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù, nhóm yếu thế đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, in cấp hơn 14.000 tờ gấp, hơn 6.000 cẩm nang pháp luật. Hiện toàn tỉnh có 1.469 tổ hòa giải ở 1.452 thôn, bản, khu phố với 9.138 hòa giải viên. Năm 2022, các tổ hòa giải viên cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hòa giải 1.596 vụ việc, trong đó 1.358 vụ việc hòa giải thành.

Việc triển khai thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của tỉnh. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ngày càng nâng cao. Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh do thiếu hiểu biết pháp luật; tình trạng đơn thư khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp có chiều hướng giảm, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

nguyễn chính nghĩa

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Chính Nghĩa:

Lan tỏa tinh thần “thượng tôn pháp luật”

Thời gian qua, UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả 10 nhóm biện pháp, 11 chuyên đề trọng tâm, phấn đấu hoàn thành 8 nhóm mục tiêu trong công tác PBGDPL giai đoạn 2022-2025, quy định tại Nghị quyết số 110/2022/NQ-HĐND ngày 9/7/2022 của HĐND tỉnh. Nhất là những lĩnh vực trọng tâm, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, hoặc được dư luận xã hội quan tâm như dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, đất đai, xây dựng, tài nguyên môi trường, khiếu nại, tố cáo…

Từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã và đang triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú với trên 2.500 hội nghị tuyên truyền, phổ biến trực tiếp, thu hút 171 nghìn lượt người tham dự, trên 700 nghìn bộ tài tài liệu được in ấn, phát hành. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được tăng cường, như: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, biên soạn bài giảng điện tử, sổ tay, tờ gấp pháp luật điện tử, infographic, thông qua cổng/trang thông tin điện tử…

Có thể khẳng định, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, lan tỏa tinh thần “thượng tôn pháp luật”, trở thành cầu nối quan trọng giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, trật tự an toàn xã hội.

Thượng tá Phạm Thành Trung, Chỉ huy Trưởng Ban CHQS huyện Bình Liêu

Thượng tá Phạm Thành Trung, Chỉ huy Trưởng Ban CHQS huyện Bình Liêu:

Góp phần đảm bảo QP-AN, ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới với trên 96% là đồng bào DTTS, trình độ nhận thức chưa đồng đều. Từ thực trạng trên, Đảng ủy, Ban CHQS huyện luôn xác định công tác tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Ban CHQS huyện chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 100% đối tượng, nhất là người có uy tín, trưởng bản, chủ hộ gia đình thôn, bản biên giới, vùng sâu, vùng xa, học sinh THPT; thực hiện tốt mô hình “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN gắn với tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu cho 100% thôn, bản biên giới trên địa bàn huyện”.

6 tháng đầu năm 2023, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh huyện tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng là già làng, trưởng họ tộc (làm điểm cho 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 3 rút kinh nghiệm). Phối hợp với UBND xã Lục Hồn, Hoành Mô tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN cho các chủ hộ gia đình biên giới (10 lớp với 641 lượt người tham gia) kết hợp phát trên 900 tờ rơi tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng, Luật Phòng chống ma túy, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình. Đồng thời phối hợp tuyên truyền hướng nghiệp, tuyển sinh quân sự vào học viện, nhà trường quân đội cho trên 300 học sinh khối lớp 11, 12 Trường THPT Bình Liêu…

Qua đó góp phần tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, từng bước ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện.

Bà Phạm Thị Thúy, Trưởng phòng Tư pháp TP Uông Bí

Trưởng phòng Tư pháp TP Uông Bí Phạm Thị Thúy:

Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác PBGDPL trên địa bàn

Nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, những năm qua Phòng Tư pháp TP Uông Bí đã tham mưu thực hiện tốt Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và cụ thể hóa Chỉ thị 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn… Phòng tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo đảng bộ, chính quyền các địa phương quan tâm thường xuyên, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phối hợp PBGDPL cho nhân dân, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật. Các hoạt động giám sát, kiểm tra được tăng cường. Qua đó, đã phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật và kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục…

Từ năm 2022 đến nay, các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố và các xã, phường đã tổ chức 371 hội nghị với gần 60.000 lượt người tham dự; cấp phát gần 240.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật; đăng tải tin bài, quy định pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng… Từ thực tiễn và những kết quả đạt được, trên cơ sở kinh nghiệm trong quá trình tổ chức tuyên truyền PBGDPL, đơn vị tập trung triển khai các giải pháp đã đề ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất trong công tác PBGDPL trên địa bàn.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Trả lời