(Uông Bí) Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022

Ngày 8/11, thành phố Uông Bí tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022. Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh dự chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thành, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, lãnh đạo các phòng, ban chức năng.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Phạm Thị Thuý – Trưởng phòng Tư pháp thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. UBND thành phố  tập trung chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện; hàng năm, ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố thông qua báo cáo kết quả 10 năm triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Cơ chế lãnh đạo, điều hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thiết lập từ thành phố tới cơ sở; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giáo dục, phổ biến pháp luật từng bước hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Trong 10 năm, các cấp, các ngành từ thành phố tới cơ sở đã tổ chức trên 3.900 cuộc tuyên truyền pháp luật, thu hút trên 540.000 lượt người tham dự, cấp phát trên 900.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật. Các xã, phường tiếp tục duy trì có hiệu quả phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với các mô hình như tổ tự quản nhân dân, tổ liên gia PCCC gắn với nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 100% các nhà trường đều triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa.

Đồng chí Đào Ngọc Sơn, UVBTV, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ, Chủ tịch UB MTTQ thành phố tham luận về công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2022.

Công tác kiểm tra việc phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện của UBND các xã, phường.

Nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thành phố thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Từ năm 2013 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã 3 lần kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Cùng với đó, thành phố cũng thường xuyên quan tâm kiện toàn, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện nay, thành phố có 23 báo cáo viên pháp luật cấp thành phố, 213 tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở.

Việc tổ chức thực hiện Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11) tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn thành phố, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật đã thu hút được sự quan tâm của cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân.

Lãnh đạo Công an thành phố tham luận nội dung “Vai trò của phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm; tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành án phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp giai đoạn 2012 – 2022 trên địa bàn thành phố.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu chính trị-xã hội và công tác quản lý trong từng thời điểm, đặc điểm của các nhóm đối tượng, địa bàn dân cư và tình hình, yêu cầu của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cấp, các ngành tổ chức các đợt tập trung tuyên truyền cao điểm theo chuyên đề như: Tuyên truyền Luật bầu cử Đại biểu HĐND các cấp; tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ; tập trung tuyên truyền pháp luật để góp phần giải quyết những “điểm nóng”, bức xúc trong cộng đồng dân cư như vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, tranh chấp lao động tập thể; phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các cấp, các ngành tổ chức hiệu quả các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, làm mới các cách tiếp cận về pháp luật đối với Nhân dân. Đồng thời, thành phố cũng chú trọng áp dụng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép khác như: tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền qua internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Các cấp, các ngành chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho 6 nhóm đối tượng đặc thù được quy định trong Luật; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu nhà trọ, địa bàn có tỷ lệ vi phạm pháp luật, nguy cơ vi phạm pháp luật cao.

Lãnh đạo phường Thanh Sơn tham luận với chủ đề “tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012-2022, định hướng và giải pháp giai đoạn 2022-2025.

UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, các xã, phường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hướng dẫn các tổ hòa giải tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, thành phố có 99 tổ hòa giải với 792 hòa giải viên. Trong 10 năm đã tiến hành hòa giải gần 3.000 vụ, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn đạt trên 76%.

Các tham luận tại hội nghị đã góp phần làm rõ kết quả, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo của các đơn vị, các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn; nêu các giải pháp, biện pháp và đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ninh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Uông Bí. Thành phố Uông Bí đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam. Cũng trong chương trình, đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 110 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn  tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Đồng chí Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị và tuyên truyền Nghị quyết số 110 của HĐND tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thành, UVBTV Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố nhấn mạnh, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ như: thường xuyên củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; bám sát nhu cầu, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, các đối tượng đặc thù để nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phát biểu tại hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như vai trò tham mưu của Phòng Tư pháp để tạo sự gắn kết giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cấp, các ngành cần tiếp tục đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy vai trò của chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là học sinh, sinh viên để hình thành tư duy và ý thức chấp hành pháp luật.

Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí khen thưởng 6 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh 10 năm (2012-2022).

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố đã khen thưởng 6 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh 10 năm (2012-2022).

Nguồn: Trang Thông tin điện tử thành phố Uông Bí

Trả lời