(Phóng sự phát thanh) Tìm hiểu Luật Nhà ở (sửa đổi) 2023

Luật Nhà ở (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Với nhiều điểm mới, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc phát triển nhà ở tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân.

Luật Nhà ở số 27 được Quốc hội Khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, gồm 13 chương với 198 điều, tăng 15 điều so với Luật Nhà ở năm 2014.

Điểm đáng chú ý thứ nhất, Luật đã Sửa đổi, bổ sung các quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở. Nổi bật có 1 số qui định mới như sau:

– Bổ sung quy định mới về các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết các giai đoạn đầu tư dự án xây dựng nhà ở nhằm góp phần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở.

– Sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại theo Luật Đất đai.

– Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ theo hướng mở rộng đối tượng được thuê nhà ở công vụ nhằm bảo đảm tạo điều kiện về chỗ ở yên tâm công tác.

– Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở tái định cư để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ hai, đã Luật hóa một số quy định của Nghị định hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để nâng cao hiệu lực pháp lý và bổ sung một số quy định đặc thù để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng như khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Trong đó nổi bật là:

– Bổ sung quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư bởi vì đây là loại dự án đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia đầu tư, xây dựng cải tạo lại nhà chung cư.

– Bổ sung quy định về di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư, trong đó, quy định rõ quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ đầu tư, các chủ sở hữu nhà chung cư; kinh phí di dời, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư được tính trong tổng mức đầu tư dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn trả kinh phí này nếu Nhà nước đã ứng ra để thực hiện.

Điểm mới thứ 3, Luật xác định rõ trách nhiệm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo đó giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Việc trao quyền gắn với trách nhiệm nhằm tạo cơ chế linh hoạt cho địa phương triển khai thực hiện. 

Trên thực tế, thời gian qua, với mục tiêu từng bước hiện thực hóa các chủ trương về nâng cao chất lượng sống, vì hạnh phúc nhân dân, để người dân được hưởng các thành quả phát triển bao trùm; tỉnh Quảng Ninh đã giành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo với nhiều giải pháp. Nhờ vậy, các dự án nhà ở xã hội đã được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, và vượt tiến độ như Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng, TP Hạ Long – dự án nhà ở XH đầu tiên trên địa bàn tỉnh. 

Công bố giá dự kiến nhà ở xã hội trên khu đất “vàng” giữa Hạ Long

Ảnh: Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng, TP Hạ Long

Cùng với đó, điểm mới thứ tư, Luật Bổ sung quy định các hình thức huy động vốn cho phát triển nhà ở; bổ sung quy định về vốn nhà nước để phát triển nhà ở; đưa một số quy định về nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn từ Nghị định lên Luật để nâng cao hiệu lực của quy định.

Điểm mới thứ 5 Luật đã Bổ sung, luật hóa một số quy định của Nghị định hiện hành, nhằm bảo đảm tính pháp lý cho công tác quản lý sử dụng nhà ở như:Những trường hợp bắt buộc phải phá dỡ nhà ở

– Quy định về quản lý, sử dụng nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, nhà biệt thự; quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; các trường hợp nhà ở phải phá dỡ; yêu cầu khi phá dỡ nhà ở. Bổ sung mới một số quy định như: Quy định cụ thể về chuyển đổi công năng nhà ở; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Điểm mới Thứ 6. Luật Bổ sung, sửa đổi một số quy định về sở hữu chung, sở hữu riêng, khai thác nguồn thu từ phần sử dụng chung của nhà chung cư nhằm khắc phục các tranh chấp khiếu kiện trong quản lý sử dụng nhà chung cư, cụ thể như:

Thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư?Bổ sung quy định về xác định phần sở hữu chung, sở hữu riêng trong trường hợp hợp đồng không ghi rõ nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà ở; Bổ sung quy định cách xác định phần sở hữu chung đối với thiết bị, cấu kiện gắn liền với ban công, lô gia. Bổ sung quy định trường hợp nhà chung cư có nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ đối với phần sở hữu chung thì phải nộp vào tài khoản bảo trì do Ban quản trị quản lý để bảo trì nhà chung cư theo quy định.

 

Như vậy, Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chặt chẽ hơn về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ và nhà ở xã hội. Với những thay đổi mang tính đột phá, luật không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở của người dân mà còn tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản. Những quy định mới, đặc biệt về nhà ở xã hội và cải tạo nhà chung cư, hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới cho đô thị Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng./.

T/h: Đức Anh

(Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông)

Để lại một bình luận