Quảng Ninh “Nâng chất” hòa giải ở cơ sở

Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên được nâng lên, qua đó, giải quyết kịp thời tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống ở khu dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Tổ hòa giải khu phố Nam Sơn, phường Nam Khê, TP Uông Bí tổ chức buổi làm việc, hòa giải giữa hai gia đình trên địa bàn.

Tổ hòa giải khu phố Nam Sơn, phường Nam Khê, TP Uông Bí tổ chức buổi làm việc, hòa giải giữa hai gia đình trên địa bàn.

Giải quyết dứt điểm từ cơ sở

Nhà ông Qu và ông Q (khu phố Chùa Bằng, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) là hai anh em được bố mẹ chia đất, trong đó có phần ngõ đi chung 3m. Do không thống nhất được về ngõ đi, nên khi gia đình ông Qu yêu cầu chia đôi ngõ, ông Q đã gửi đơn kiến nghị đến khu phố. Tiếp nhận vụ việc, ông Đặng Ngọc Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng khu, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu phố Chùa Bằng đã tổ chức nhiều buổi làm việc giữa hai gia đình. Bằng những kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải và trên cơ sở tình cảm, đạo lý, thành viên tổ hòa giải khu phố Chùa Bằng đã phân tích, đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng để khuyên nhủ, thuyết phục hai bên, khơi dậy đoàn kết trong gia đình, anh em hóa giải mâu thuẫn. Sự việc khép lại khi ngõ đi chung được giữ nguyên 3m, rộng rãi cho cả hai bên gia đình.

Theo ông Trường, để làm được như vậy, người hòa giải viên phải không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức pháp luật, vận dụng những hiểu biết để phân tích, thuyết phục thấu tình, đạt lý, tránh vội vàng, nôn nóng, làm tổn hại đến danh dự, tự ái cá nhân của các bên; dùng tình cảm, uy tín, lẽ phải để thuyết phục các bên, tạo ra thái độ thân mật, cởi mở và chân thành, từ đó giúp các bên thoả thuận được với nhau, giữ được sự đoàn kết.

Từ năm 2023 đến nay, Tổ hòa giải khu phố Chùa Bằng tiếp nhận, hòa giải thành 3 vụ việc. Để có được kết quả này, các hòa giải viên luôn sâu sát, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong nhân dân. Với phương châm phát hiện sớm, giải quyết từ cơ sở, tổ hòa giải phối hợp chặt chẽ với các bên để tổ chức hòa giải. Với những vụ việc phức tạp, phối hợp cùng các ban, ngành, cơ quan chuyên môn của địa phương để tìm hiểu bản chất sự việc, kiên trì giải thích, tuyên truyền vận động nhân dân. Thông qua hòa giải thành, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2023 đến tháng 6/2024, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 2.007 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 1.702 vụ. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Sở Tư pháp phối hợp UBND TP Móng Cái tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác thực hiện chỉ đạo điểm và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn. Ảnh: Thanh Hải (CTV)

Sở Tư pháp phối hợp UBND TP Móng Cái tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác thực hiện chỉ đạo điểm và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn. Ảnh: Thanh Hải (CTV)

Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở

Thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên là điểm mấu chốt giúp hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư. Vì vậy việc nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Tư pháp đã tham mưu cho tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện; tích cực hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương trong công tác quản lý, theo dõi, kiện toàn tổ chức.

Các cơ quan, tổ chức đã tích cực phối hợp với cơ quan tư pháp để triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Ủy ban MTTQ đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm trong việc kiện toàn tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở và phổ biến, vận động nhân dân giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải; tăng cường giám sát, phản biện xã hội…

Công tác tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.455 tổ hòa giải với tổng số 9.128 hòa giải viên, trong đó hòa giải viên nữ chiếm 38,5%, hòa giải viên nam chiếm 61,5%; hòa giải viên là người dân tộc thiểu số chiếm 20,8%. Đã có trên 8.300 hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các hòa giải viên cơ sở đa phần là cán bộ hưu trí đã nghỉ hưu, Trưởng ban công tác mặt trận, Trưởng thôn/khu phố và các tổ chức đoàn thể tại địa phương, người có uy tín tại cộng đồng… với trách nhiệm, nhiệt tình cao, có uy tín trong cộng đồng.

Ông Phạm Đức thuận, Bí thư chi bộ, Trưởng khu Đông Thịnh, phường Trà Cổ, TP Móng Cái, Tổ phó Tổ hòa giải khu Đông Thịnh chia sẻ: Ngày 29/8/2024 vừa qua, tôi cùng các hòa giải viên trên địa bàn được UBND thành phố phối hợp cùng Sở Tư pháp tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Báo cáo viên pháp luật của Sở Tư pháp đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, liên hệ thực tế và đưa ra các tình huống vụ việc; hướng dẫn phương pháp, trình tự, thủ tục hoà giải, góp phần nâng cao kỹ năng cho các hòa giải viên. Buổi tập huấn rất hiệu quả, hữu ích.

Theo kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2030, Quảng Ninh phấn đấu trên toàn tỉnh có tối thiểu 1 tập huấn viên cấp huyện/80 tổ hòa giải ở cơ sở; tối thiểu 1 tập huấn viên cấp tỉnh/100 tổ hòa giải ở cơ sở; 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở; 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; Ít nhất 10% tổ hòa giải ở cơ sở được luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, điều tra viên hỗ trợ về chuyên môn pháp luật; Từ 80-90% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành, trong đó, 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn trong 6 tháng kể từ khi được công nhận đều được tập huấn, bồi dưỡng. 100% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải.

Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả tỉnh đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường được chọn làm điểm chỉ đạo của tỉnh, tỷ lệ này là trên 90%. Cả tỉnh có ít nhất 5% đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”.

Hiện Sở Tư pháp đang tích cực phối hợp cùng UBND các địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai đảm bảo theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Chính Nghĩa: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở”

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của trung ương, Sở Tư pháp kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành văn bản, kế hoạch, chỉ đạo thực hiện. Sở chủ động, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra. Theo đó, Sở đã xây dựng kế hoạch tập huấn, triển khai các hoạt động chỉ đạo điểm về công tác hòa giải ở cơ sở, tập trung vào các nội dung: Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng đội ngũ hòa giải viên đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; tập huấn, xây dựng tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở; xây dựng, triển khai mô hình “Cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”; hỗ trợ pháp lý, kỹ năng thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục đề nghị tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự… Những hoạt động này nhằm củng cố đội ngũ hòa giải viên, đảm bảo có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà Hoàng Phi Trường: “Nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân”

Hải Hà hiện có 112 tổ hòa giải với 533 hòa giải viên. Các tổ hòa giải hoạt động đúng quy chế; hòa giải viên là những người uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng vận động, thuyết phục và được bầu chọn công khai, dân chủ. 6 tháng đầu năm 2024 các tổ đã hòa giải thành 35/40 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,5%. Để giải quyết hiệu quả, dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở, những hòa giải viên luôn đi sâu, đi sát vào đời sống của người dân để kịp thời tháo gỡ những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở. Những vụ việc hòa giải không thành được chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Nhằm đáp ứng yêu cầu hòa giải trong tình hình mới, huyện đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên. Thông qua công tác hòa giải, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Lang Cang (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) Bàn Đức Sồi: “Không để phát sinh mâu thuẫn phức tạp trong cộng đồng dân cư”

Nhiều năm qua, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn tại thôn Lang Cang được Tổ hòa giải tiếp nhận, giải quyết kịp thời, hạn chế đơn thư lên cấp trên. Tổ hoạt động với phương châm phát hiện sớm vụ việc để hòa giải viên phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức hòa giải. Khi tiến hành hòa giải một vụ việc, các hòa giải viên nắm rõ nội dung, nguyên nhân phát sinh tranh chấp, yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp; từ đó xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan để vận dụng giải quyết. Đồng thời gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải, kết hợp giải thích pháp luật, giúp các bên nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Đối với vụ việc phức tạp, hòa giải viên tổ chức hòa giải nhiều lần. Thông qua hòa giải thành góp phần quan trọng giữ gìn ANTT, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm đơn thư khiếu kiện.

Thanh Hoa – Lê Nam

(Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông)

 

Để lại một bình luận