Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục

Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật; hình thành thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống, học tập, làm việc theo pháp luật của học sinh và CBCCVC-NLĐ trong các đơn vị.

Trường THPT Hòn Gai (Hạ Long) phối hợp cùng Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy cho học sinh.
Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) phối hợp cùng Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy cho học sinh.

Trên cơ sở quán triệt và triển khai của Sở GD&ĐT, các đơn vị thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành. 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị. Phổ biến kịp thời, đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật mới được thông qua, ban hành cho CBCCVC-NLĐ trong ngành và học sinh trên địa bàn tỉnh, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

Các đơn vị tổ chức hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và hệ thống loa phát thanh của nhà trường. Đặc biệt là phát huy hiệu quả việc sử dụng mạng xã hội, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương, phương tiện thông tin đại chúng; hỏi – đáp pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật trực tuyến, chương trình đối thoại chính sách pháp luật…

Trong đó, tập trung tuyên truyền, quản lý và ngăn chặn kịp thời, không để thanh thiếu niên, học sinh tham gia vào các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu bia, mê tín dị đoan), thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng…

Nhiều năm qua, TP Uông Bí duy trì hiệu quả tuyên truyền pháp luật thông qua mô hình “Kể chuyện theo án”. Đây là hoạt động thiết thực trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về pháp luật, kỹ năng ứng xử chuẩn mực, hạn chế tỷ lệ vi phạm pháp luật, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, từng bước đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh niên trong giai đoạn mới. Thông qua chương trình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường trong việc chấp hành các quy định pháp luật, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Uông Bí Trần Thị Hồng Thu, Phòng GD&ĐT TP Uông Bí thường xuyên bám sát văn bản chỉ đạo của các cấp, chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Nêu cao ý thức trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường, là người trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác pháp luật tại cơ sở. Chỉ đạo mỗi đơn vị trường học thành lập 1 Ban Chỉ đạo về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác học sinh, trong đó có công tác giáo dục pháp luật; kiện toàn tổ tư vấn tâm lý nhà trường, mỗi đơn vị đều có 1 hòm thư tố giác bạo lực học đường. Nhờ đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các đơn vị đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, phòng phối hợp cùng các đơn vị tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm, hoặc cần định hướng dư luận xã hội như bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, an ninh mạng, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, với tổng số 36 cuộc.

Trường THPT Cô Tô và Công an huyện Cô Tô ký cam kết đảm bảo an toàn học đường.
Trường THPT Cô Tô và Công an huyện Cô Tô ký cam kết đảm bảo an toàn học đường. Ảnh: Hằng Ngần

Cùng với đó, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Sở GD&ĐT về dạy học tích hợp nội dung phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, mua bán người… vào các môn học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh bằng nhiều hình thức (sổ liên lạc, sổ liên lạc điện tử, họp cha mẹ học sinh…) qua đó, thông tin cho cha mẹ học sinh về tình hình của các em, đồng thời lồng ghép giới thiệu, tư vấn về pháp luật có liên quan và kỹ năng quản lý, giáo dục học sinh.

Các cơ sở giáo dục cũng chú trọng đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn Giáo dục công dân; gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế để nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong tuân thủ và chấp hành pháp luật. Tăng cường nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong các chương trình ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ sở giáo dục tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật trong học sinh tại các cơ sở giáo dục; triển khai ký cam kết với cha mẹ học sinh và yêu cầu học sinh cam kết thực hiện nghiêm túc các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông trên đường.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) Nguyễn Thị Tuyết Hồng cho biết: Để học sinh chấp hành tốt pháp luật thì song song với tuyên truyền, các chế tài cũng phải được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ vi phạm, nhà trường xử lý rất nghiêm khắc đối với học sinh có vi phạm pháp luật. Trường đã thành lập, phát huy hiệu quả bộ phận quản sinh, đội phản ứng nhanh; xây dựng mạng lưới giám sát, thông tin rộng khắp tới các lớp; đồng thời ràng buộc trách nhiệm giữa các bên (nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, học sinh) cùng hướng tới mục tiêu chung, xây dựng môi trường trường học an toàn, đảm bảo an ninh trật tự. Do vậy, nhiều năm nay, việc thực hiện các quy định pháp luật của học sinh trong nhà trường đều đạt tốt, nền nếp.

Với sự chủ động, tích cực của ngành GD&ĐT, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của học sinh trong các trường học ngày được nâng cao. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành vẫn còn hạn chế, ngân sách dành cho công tác này còn khó khăn; vẫn còn tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa bố trí kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường còn mang tính vụ việc… Điều này đòi hỏi các cấp, ngành cần tiếp tục có sự quan tâm hơn, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên.

Thanh Hoa

Trả lời